Mặt nạ giấy rốt cuộc là gì?
Mặt nạ giấy là loại mặt nạ được cấu tạo từ hai thành phần chính là giấy và dưỡng chất. Mặt nạ giấy thường được làm bằng bông cotton. Tùy vào giá thành sản phẩm, chất liệu tạo nên mặt nạ giấy cũng khá đa dạng. Thông thường, những thương hiệu cao cấp, chất liệu của mặt nạ sẽ mềm mướt hơn, có khả năng thẩm thấu dưỡng chất tốt hơn, không dùng các chất tẩy trắng cotton có hại cho làn da.
Dưỡng chất được sử dụng trong mặt nạ thường là một lượng lớn serum hoặc lotion khá cô đặc. Nếu bạn vắt hết dung dịch chứa trong một gói mặt nạ, bạn sẽ có được khoảng 15-20ml dung dịch. Thường thì dung dich trong một gói mặt nạ giấy rất nhiều, không thể dùng và thẩm thấu hết cho da mặt, nên người sử dụng có thể gói kín để tủ lạnh dùng dần hoặc như mình kết hợp thoa cho cổ, ngực và tay.
Tùy thuộc vào mục đích của mặt nạ: dưỡng trắng, dưỡng ẩm hay chống lão hóa, mà trong dung dịch sẽ chứa các hoạt chất phù hợp.
Có bao nhiêu chất liệu mặt nạ giấy, sự khác nhau là gì?
Có 6 chất liệu phổ biến nhất được dùng trong mặt nạ giấy là:
#1. Mặt nạ sợi không dệt
Dạng sợi (không dệt) với giá thành thấp, thường được sử dụng trong các mặt nạ giấy giá rẻ. Mặt nạ fiber thường có hạn chế trong khả năng đưa các dưỡng chất vào da. Bên cạnh đó, loại mặt nạ này không có khả năng bám tốt trên da. Nếu bạn chọn mặt nạ giá rẻ, nên nằm yên để tránh sản phẩm rơi xuống. Dưỡng chất trong mặt nạ dễ bay hơi.
Gợi ý sản phẩm
– Timeless Truth Black Charcoal Mask
– NEOGEN Vita Energizing Fiber Mask
– Benton’s Snail Bee High Content Mask
#2. Mặt nạ dạng Pulp
Dạng pulp một dạng kết cấu mịn màng hơn mặt nạ sợi nhưng vẫn tồn tại những nhược điểm tương tự với mặt nạ dạng sợi. Mặt nạ dạng pulp có bề mặt không đồng đều nên sẽ có những khoảng hở giữa da và mặt nạ. Dưỡng chất trong mặt nạ khá dễ bay hơi.
Gợi ý sản phẩm:
– Tony Moly Natural Pulp Essence Sheet Mask
#3. Mặt nạ Hydro gel
Dạng hydro-gel thường xuất hiện ở các dòng mặt nạ trung cao cấp. Loại mặt nạ này được chế tạo từ quy trình trộn dưỡng chất với gelatin, tạo ra một lớp màng mát và mỏng. Thông thường mặt nạ được chia làm 2 phần nửa trên và nửa dưới mặt tách biệt. Mặt nạ hydro-gel thường dễ rách nên bạn cần cẩn thận khi sử dụng.
Gợi ý sản phẩm:
– Ciracle Snail Hydrogel Mask
– Dr. Jart+ Water Fuse Water-Full Hydrogel Mask
– Boscia Tsubaki Oil Deep Hydration Hydrogel Mask
– Missha’s Time Revolution White Cure Hydrogel Mask
#4. Mặt nạ Bio Cellulose
Dạng bio cellulose là dạng mặt nạ được dệt từ sợi bio cellulose (xơ sinh học) – dạng sợi thiên nhiên, tiêu chuẩn vàng của dưỡng ẩm và trị liệu da. Mặt nạ bio cellulose có khả năng bám chặt trên da và chuyển dưỡng chất vào da một chách hiệu quả. Kết cấu của mặt nạ gống như dạng gel mát nhưng lại rất bền. Dưỡng chất trong mặt nạ bio cellulose không bị bay hơi trong quá trình đắp mặt nạ. Nhưng bù lại mặt nạ bio cellulose thường có chi phí rất cao.
Gợi ý sản phẩm
– Timeless Truth Apple Stem Cell & Collagen Bio Cellulose Mask
– Tatcha Luminous Deep Hydration Lifting Mask
– Lancome Blanc Expert Bio Cellulose Mask
#5. Mặt nạ giấy bạc
Để ngăn các thành phần không bị bay hơi quá nhanh thì mặt nạ nhôm là một sự lựa chọn tuyệt vời. Loại mặt nạ này sử dụng giấy bạc ở mặt ngoài để ngăn chặn các thành phần và chất lỏng nuôi dưỡng da không bị bay hơi. Lớp giấy bạc sẽ giúp mặt nạ luôn giữ được độ ẩm từ khi mở ra cho đến hết quá trình đắp mặt nạ.
Gợi ý sản phẩm
– Estée Lauder Advanced Night Repair Concentrated Recovery PowerFoil Mask
– Makep:rem’s Wrapping me Sauna Mask
#6. Mặt nạ giấy len
Loại mặt nạ này được làm từ 100% cotton dệt để đảm bảo cung cấp độ ẩm cho làn da nhanh chóng hơn. Mặt nạ len thường nặng và dài hơn bình thường, do đó ngoài da mặt bạn có thể đắp lên cả vùng da cổ nữa.
Gợi ý sản phẩm
– White Truffle Hydramax Knit Mask
– Pink Cactus Liftmax Knit Mask
Vì sao mặt nạ giấy lại đem lại tác dụng thần kỳ như vậy?
Các dưỡng chất được thoa lên da với một lượng rất lớn, sau đó, được giữ chặt trên da trong khoảng 15-20 phút bằng mặt nạ giấy, giúp tránh thoát hơi nước. Môi trường có độ ẩm và nhiệt độ cao mà mặt nạ giấy tạo ra góp phần thúc đẩy sự thẩm thấu của các hoạt chất vào da, từ đó mang lại hiệu quả vượt trội so với sử dụng sản phẩm dưỡng thông thường.
Liệu mặt nạ giấy có thể thay thế mặt nạ rửa truyền thống?
Điều này còn tùy thành phần và công dụng của mặt nạ rửa là gì, đối với một số mặt nạ có các thành phần như than hoạt tính hay đất sét hay một số axit nhẹ, chức năng tập trung vào việc làm sạch sâu, tẩy tế bào chết trong khi chức năng của mặt nạ giấy lại là tăng cường cung cấp dưỡng chất cho da nhờ bổ sung nhiều axit amin, vitamin và khoáng chất. Do tính năng của hai loại mặt nạ này khác nhau nên trong trường hợp này không thể thay thế. Tuy nhiên, thị trường mặt nạ (facial mask/wrap) càng ngày càng phong phú và đa dạng về chủng loại cũng như tác dụng, không ít các loại mặt nạ rửa vừa có chức năng làm sạch sâu, hút bớt dầu mà vẫn dưỡng da khá tốt, hoặc thậm chí chỉ tập trung cho việc dưỡng da, khi đó mặt nạ giấy hay rửa có chung một công dụng và có thể sử dụng thay thế.
Liệu mặt nạ giấy có thể thay thế quy trình dưỡng da thông thường không?
Mặc dù mặt nạ giấy mang lại hiệu quả vô cùng ấn tượng, trong quy trình dưỡng da 10 bước mỗi ngày của phụ nữ Hàn Quốc, mặt nạ giấy là một trong những sản phẩm không thể thiếu, bản thân trung bình một phụ nữ Hàn Quốc đang có thói quen sử dụng mặt nạ 3-4 lần/tuần. Nhưng chúng không thay thế được quy trình dưỡng da thông thường vì hai lý do chính:
Thứ nhất, giá cả cả mặt nạ giấy thường không rẻ, có những mặt nạ lên đến 250 nghìn đồng/gói (như SK-II Facial Treatment Mask chẳng hạn), cũng có nhiều dạng thức kinh tế hơn như Kose Vitamin C Mask (350 nghìn đồng/hộp 30 miếng), tính ra thì khoàng 10 nghìn đồng/mặt nạ, nếu hợp với sản phẩm này, bạn có thể cân nhắc sử dụng thường xuyên, tuy nhiên không phải một mình, vì lý do thứ hai dưới đây.
Thứ hai, dung dịch trong mặt nạ giấy thường không chứa nhiều thành phần khóa ẩm mà tập trung vào các hoạt chất mang tính đặc trị hoặc chất hút ẩm. Vì vậy, sau khi gỡ mặt nạ giấy, trong điều kiện thời tiết hanh khô, các chất này nhanh chóng bị bay hơi và khiến da bị khô. Bạn cần sử dụng kem dưỡng hoặc dầu dưỡng sau đó, để đảm bảo da được khóa ẩm tốt, tránh phản tác dụng.
Tóm lại, mặt nạ giấy có thể rất tiện lợi khi đi du lịch (hãy thử nghĩ, thay vì gần chục bước dưỡng lỉnh kỉnh, bạn chỉ cần 1 chiếc mặt nạ và kem dưỡng thông thường là hoàn toàn yên tâm da đủ ẩm), mặt nạ giấy có thể trở thành một bước bổ sung để tăng cường dưỡng da và tác dụng của các sản phẩm khác. Nhưng không nên sử dụng một mình và nếu chi phí là một mối quan tâm lớn, không cần thiết phải sử dụng hàng ngày.
Đắp mặt nạ giấy thế nào là đúng?
Mặt nạ giấy có kích thước giống nhau, nhưng đáng buồn là mặt chúng ta lại không có kích thước giống nhau. Vì vậy, đôi khi chúng ta đắp mặt nạ sẽ bị xộc xệch. Hãy bắt đầu từ trán, vuốt nhẹ xuống vùng mắt để đẩy không khí ra ngoài. Vỗ nhẹ mặt nạ trên má rồi di chuyển xuống cằm.
Da mụn có nên dùng mặt nạ giấy?
Hầu hết các chuyên gia da liễu đều không khuyến khích việc sử dụng mặt nạ giấy cho da mụn. Thứ nhất, việc sử dụng quá nhiều các thành phần khác nhau trên da bị viêm có thể dẫn đến da bị kích ứng và trở nên khô hơn nữa. Thứ hai, mặt nạ đắp dính trên da như một lớp màng, có thể làm tăng nhiệt độ của da. Sự gia tăng nhiệt độ này, nhìn tích cực thì sẽ giúp sản phẩm thẩm thấu nhanh và dưỡng chất phát huy tốt hơn hiệu quả, nhưng mặt khác lại có thể làm tăng lượng vi khuẩn trên da của bạn, và gây ra mụn trứng cá.
Tuy nhiên, trên thực tế, da mụn vẫn có thể dùng mặt nạ giấy tuy nhiên bạn nên kỹ lưỡng hơn trong quá trình chọn sản phẩm; nếu bạn vẫn yêu thích các dạng mặt nạ giấy thì nên cẩn thẩn khi chọn thành phần; nên sử dụng các mặt nạ giàu hoạt chất kháng viêm, làm dịu da; tránh các sản phẩm dưỡng quá dày, nặng.
Discussion about this post