Khởi đầu với rating trung bình 6.3%, When Camellia Blooms (Khi Cây Trà Trổ Hoa) của Gong Hyo Jin – Kang Ha Neul đã chạm mức rating 14.5% ở tập thứ 8 và đồng thời đứng đầu bảng xếp hạng các phim được quan tâm nhất tuần qua. Thành tích của phim tại Hàn hoàn toàn vượt “bom tấn hành động” Vagabond dù qui mô đầu tư thấp hơn nhiều. Chuỗi rating chỉ tăng chứ không giảm, luôn dẫn đầu khung giờ phát sóng và sự quan tâm ngày càng tăng của khán giả dành cho bộ phim thực tế là điều dễ hiểu bởi Khi Cây Trà Trổ Hoa có thể nói là tác phẩm tròn trịa, chỉn chu nhất trên đường đua phim Hàn hiện tại với kịch bản và diễn xuất đều được đánh giá rất tích cực từ khán giả trong lẫn ngoài Hàn Quốc.
1. Ngỡ phim thuần lãng mạn lại hóa giật gân khiến khán giả thót tim
Trước khi lên sóng, Khi Cây Trà Trổ Hoa được giới thiệu là một phim tình cảm lãng mạn có kết hợp yếu tố bí ẩn. Tuy nhiên lúc ấy khán giả vẫn chưa có chút manh mối nào về “bí ẩn” được đề cập mà vẫn tưởng phim sẽ chỉ là chuyện tình lãng mạn dễ thương của một anh chàng ngốc nghếch tốt bụng Yong Sik (Kang Ha Neul) và cô chủ quán rượu Camellia tên Dong Baek (Gong Hyo Jin). Được khoảng hai tập phim, khán giả mới “tá hỏa” hóa ra chuyện phim lồng ghép lãng mạn và một vụ án giết người hàng loạt. Kẻ thủ ác với biệt danh Tên Hề đã gây ra nhiều vụ thảm sát mà vẫn ung dung nằm ngoài vòng truy bắt của cảnh sát. Nữ chính Dong Baek không may lại là nhân chứng trong vụ án gần nhất và nay trở thành mục tiêu tiếp theo của Tên Hề.
Nữ chính Dong Baek không may có mặt tại hiện trường vụ án và suýt nữa đã mất mạng.
Điều đó khiến cô bị đe dọa và có nguy cơ trở thành mục tiêu tiếp theo trong vụ giết người hàng loạt.
Khi Cây Trà Trổ Hoa không “hù dọa” khán giả bằng ma quỷ hay máu me, sự hồi hộp trong phim xuất phát từ việc mọi người hầu như không có manh mối về Tên Hề. Họ vẫn sống bình thường mà không nghĩ rằng kẻ thủ ác thực tế có thể ở cách mình chỉ vài căn nhà hay là người mình rất thân thiết. Bộ phim biết cách tạo cao trào bằng những khoảnh khắc bất ngờ, đánh mạnh vào “nỗi sợ tâm lý” hơn là “nỗi sợ vật lý”. Chuyện tình của nữ chính phát triển trong bối cảnh bầu không khí căng thẳng dần qua từng tập phim đã thành công khơi gợi tính tò mò và thu hút ngày càng nhiều khán giả theo dõi phim.
Không cần ma quỷ, không cần máu me, bộ phim thừa sức khiến bạn phải giật mình giữa đêm vì những “đòn tâm lý” bất ngờ.
2. Gây “xoắn não” với loạt giả thuyết chồng chéo
Khi Cây Trà Trổ Hoa là một phim tâm lý gây “xoắn não” không kém bất cứ phim trinh thám nào. Gần một nửa chặng đường đã qua và tình hình hiện tại là bất cứ ai cũng có thể là Tên Hề, từ gã chủ nhà hống hách No Gye Tae (Oh Jung Se) hay đến làm phiền Dong Baek, gã thợ sửa ống nước, cô gái làm bán thời gian Hyang Mi (Son Dam Bi) đến luật sư Hong Ja Young (Yeom Hye Ran). Bất ngờ hơn cả là dù ít nhưng cũng có người nghi ngờ chính cảnh sát hoặc nam chính sẽ là Tên Hề. Chủ đề này đang được bàn luận hết sức sôi nổi bởi bộ phim đưa ra quá nhiều tình tiết và mỗi nhân vật đều có khả năng phạm tội. Mà quan trọng là việc tung nhiều dấu hiệu như vậy không hề khiến khán giả bực tức vì cảm thấy phim câu giờ mà trái lại còn kích thích sự hăng hái bàn luận trên các diễn đàn xem ai là hung thủ đích thực. “Xoắn não” nhưng vẫn được yêu mến, đây quả thật là thành công lớn của Khi Cây Trà Trổ Hoa.
Gần nửa chặng đường trôi qua và từ một nghi phạm nay ai cũng có thể là nghi phạm!
3. Tinh tế mà thâm sâu “bóc phốt” nhiều vấn đề xã hội, nhất là “hiệu ứng bầy cừu”
Gần đây, “hiệu ứng bầy cừu” thường được nhắc đến để chỉ hiện tượng phần lớn cộng đồng thường hùa theo số đông, dễ bị lung lạc ý kiến và do đó không thể phân định rõ thông tin đúng sai. Trong Khi Cây Trà Trổ Hoa, “hiệu ứng” này được bóc trần rất rõ ràng. Ongsan, bối cảnh chính của bộ phim, chỉ là một thị trấn nhỏ nhưng hẳn nhiên vẫn đầy đủ các thành phần xã hội tiêu biểu. Trong một cộng đồng như vậy, chỉ vì lời nói truyền miệng mà Dong Baek trở thành cái gai trong mắt nhiều người, đến nỗi muốn mua chút củ cải mà cũng khó khăn. Cô luôn là đối tượng của hàng loạt lời đàm tiếu trong thị trấn chỉ vì là mẹ đơn thân và mở quán bán rượu. Cái cách đã phần người thị trấn xì xào mỉa mai Dong Baek chẳng khác gì cái cách những đám đông hùa nhau theo luồng dư luận mà không kịp suy nghĩ kĩ càng vậy.
Chúng ta đang sống trong một xã hội nơi cuộc đời của một con người có thể hình thành từ những lời thêu dệt.
Để rồi từ lời thêu dệt, người ta hạch sách và gây khó khăn cho nhau.
Truyền thông báo chí cũng bị bộ phim lên án thông qua việc báo chí giật tít câu khách mà không mảy may nghĩ đến cuộc sống và danh dự của Dong Baek – một nhân chứng quan trọng trong vụ giết người hàng loạt. Truyền thông không nghĩ đến chuyện đưa Dong Baek lên mặt báo sẽ khiến cô nguy hiểm tính mạng và thành chủ đề cho các cuộc trà dư tửu hậu. Khi Cây Trà Trổ Hoa thẳng thắn đưa một thông điệp rất rõ ràng: Truyền thông không thể bảo vệ bạn, cảnh sát cũng chưa chắc bảo vệ được bạn nên bạn phải tự biết bảo vệ bản thân mình trước!
Là nhân chứng, cô hãy hi sinh cuộc sống của mình vì điều lớn lao hơn đi?!
Cân bằng giới, giá trị đồng tiền và lòng tự trọng cũng là vấn đề bộ phim quan tâm. Có những gã đàn ông, đơn cử như No Gye Tae, miệng thì bảo thích Dong Baek nhưng thực tế chỉ luôn mang đến phiền toái và khiến cô cảm thấy bị xúc phạm. Tư tưởng đồng tiền và địa vị là tất cả được bộ phim phản ánh rất rõ qua gã nhân vật ngông cuồng, ngu dốt mà hống hách này. Có những người tiêu cả núi tiền chỉ để sống ảo, còn có những người phải đắn đo không dám đi chơi vì tiền đó phải bán 48 đĩa thịt xào mới có được, xã hội này chính là như thế. Nhưng không có nghĩa người ít tiền hơn phải cúi đầu trước kẻ có tiền, không có nghĩa phụ nữ mở quán rượu thì phải khom lưng trước đàn ông đến uống rượu, cũng như Dong Baek không cúi đầu trước No Gye Tae hay van xin giúp đỡ từ gã đàn ông đã bỏ rơi cô, đây chính là thông điệp tích cực bộ phim muốn truyền tải đến khán giả.
“Quấy rối tình dục, bạo lực bằng lời nói, ăn không trả tiền. Tôi muốn kiện tất cả những tội đó!”
4. Xây dựng hình tượng nhân vật đặc sắc từ chính đến phụ
Dong Baek có thể xem là một trong những hình tượng nữ đặc sắc nhất phim Hàn 2019 đến nay. Một người mẹ đơn thân, sợ hãi nhiều thứ nhưng luôn cố gắng kiên cường, sống như một con “hà mã” khi hiền lành thì vô hại nhưng khi nổi giận thì khiến người người phải khiếp sợ. Trái lạc, nam chính Yong Sik lại được ví như một chú … gấu Pooh, hùng hổ và có chút ngờ nghệch nhưng lại rất tốt bụng và vững chãi. Hai người bù trừ cho nhau thật sự rất đáng yêu và khiến khán giả không thể không thích thú.
Đây là thời khắc “hà mã” và “gấu Pooh” cùng khóc, trông có đáng yêu không cơ chứ?
Dàn nhân vật của Khi Cây Trà Trổ Hoa không hề ít, nhưng không vì thế mà các nhân vật phụ bị xây dựng qua loa. Cậu bé Pil Gu (Kim Kang Hoon) khiến ai nấy “đổ đứ đừ” vì mới tí tuổi đầu đã rất hiểu chuyện và biết thương mẹ, lại còn lí lẽ “ông cụ non” không thua gì người lớn. No Gye Tae khiến người ta vừa ghét vừa buồn cười bởi cách xây dựng những hành động ngớ ngẩn của gã thật sự quá độc đáo. Kang Jong Ryul (Kim Ji Seok) thì khiến khán giả vừa khinh vừa tội nghiệp vì gã đã tự tay đánh mất điều tốt đẹp nhất của đời mình. Một một nhân vật của Khi Cây Trà Trổ Hoa đều có một câu chuyện, một quá khứ, một ám ảnh, tạo nên một hệ thống nhân vật nhiều mà không hề đơn điệu.
Dù đáng yêu, đáng ghét hay đáng thương, đơn giản là mỗi nhân vật đều ấn tượng.
5. Lâu rồi mới thấy phim “sến” một cách duyên dáng đến vậy
Chính vì cuộc đời của nữ chính Dong Baek có quá nhiều biến cố, chuyện tình của cô với anh chàng cảnh sát Yong Sik mới càng được khán giả yêu mến. Thật hiếm hoi khán giả mới được thấy một nam chính không tổng tài, không học cao, không ngoại hình nổi bật, cũng không giỏi tán tỉnh như nhân vật của Kang Ha Neul. Yong Sik chẳng có gì ngoài một trái tim lương thiện và phương châm yêu là phải bảo vệ đối phương bằng mọi giá. “Từ bây giờ trở đi, tôi sẽ luôn ở cạnh em trong bán kính 400 mét. Nếu gặp chuyện gì hãy nhất định chạy đến tôi, em hứa đi!” – Anh chàng đã yêu cầu Dong Baek như thế. Thời nay ít có phim Hàn nào dám “mạo hiểm” để hình tượng nam chính ngu ngơ mà lại còn sến một cách vụng về nhưng chân thành như vậy, thế nên Khi Cây Trà Trổ Hoa hẳn nhiên trở thành một hương vị lạ trong hàng tá phim lãng mạn đầy rẫy cảnh tình cảm quyến rũ nồng nhiệt.
“Cô có thể chiếm trọn trái tim người khác chỉ trong ba giây.” – Nói một câu sến như vậy mà không thấy sáo rỗng, chắc chỉ có Yong Sik làm được.
Được người thương bảo vệ mà cảm động đến phát khóc, kiểu nam chính này cứ ngỡ “tuyệt chủng” rồi chứ?!
Gong Hyo Jin từ lâu đã nổi danh là “nữ hoàng phim lãng mạn”, nhưng việc kết đôi với một nam chính trẻ hơn tròn 10 tuổi như Kang Ha Neul cũng gây ít nhiều quan ngại trước khi phim lên sóng. Thế mà Khi Cây Trà Trổ Hoa đã khiến không ít người phải thốt lên: “Kang Ha Neul thật sự dễ thương quá mức cho phép!”. Gần nửa chặng đường đã qua, không có lấy một nụ hôn, chỉ có một cái ôm và vài lần nắm tay, vậy mà ai nấy đều phải “gào rú” vì độ đáng yêu của cặp đôi. Ngữ điệu, biểu cảm và cách hành xử của nhân vật Yong Sik rất “lệch chuẩn” so với nam chính thông thường nhưng lại rất giống với nhiều anh chàng trong thực tế. Tương tác của hai diễn viên hết sức nhịp nhàng, tự nhiên, đến nỗi nhìn họ y hệt như các cặp đôi bạn sẽ bắt gặp trong thực tế. Chẳng trách mà dù chẳng “mi” nhau, bộ đôi vẫn được yêu thích nồng nhiệt.
Với các bạn thích “ăn mặn” và “ăn đường”, thành thật xin lỗi nhưng phim này chỉ chiêu đãi “món chay” hoặc món ngọt vừa phải thôi.
Như thế, không truyền thông mạnh, không “hường phấn”, Khi Cây Trà Trổ Hoa cứ chậm mà chắc giữ vững ngôi vương rating và được khán giả đón nhận. Đây là thành quả xứng đáng cho một kịch bản hay và bộ phim chỉn chu.
Khi Cây Trà Trổ Hoa hiện tiếp tục lên sóng lúc 20:00 giờ Việt mỗi tối thứ tư – thứ năm hàng tuần trên KBS.
Discussion about this post