Một chú rể lên kế hoạch hoàn hảo trả thù cô vợ sắp cưới phản bội mình bằng cách âm thầm chuẩn bị, vẫn để cô ấy bước vào lễ đường và làm nhục kẻ phản bội đó trước cả thiên hạ. Một người phụ nữ ngu ngốc quan hệ bất chính với anh rể rồi khi bị cự tuyệt tình cảm lại bỏ độc vào trà sữa nhằm giết chị họ mình, thậm chí còn tàn nhẫn đến mức ‘giết nhầm hơn bỏ sót’ để người vô tội chết oan.
Toàn là những việc xảy ra trước mắt, người thật việc thật mà sao lại cứ đáng sợ như phim vậy? Có khi nào xem xong 2 câu chuyện trên chúng ta tự đặt cho mình câu hỏi: Liệu có sự khác nhau muôn đời giữa một người đàn bà bị phản bội và một người đàn ông bị ‘cắm sừng? Và liệu có sự trả thù nào là không đẩy chính bản thân mình vào ngõ cụt, tăm tối và đau đớn nhiều hơn thế?
Cùng bị phản bội nhưng phản ứng của đàn ông và đàn bà luôn luôn khác biệt
Câu chuyện gần nhất gây rúng động xã hội là vụ việc người đàn bà độc ác trong câu chuyện đầu độc chị họ bằng 6 cốc trà sữa. Bản thân cô ta là kẻ thứ 3 nhưng lại ghen ngược, cô ta đang nghĩ mình bị phản bội. Bởi ngay từ khi bắt đầu mối quan hệ sai trái, anh rể cô ta cũng chấp nhận. Và khi người đàn ông đòi chấm dứt mối quan hệ, cô ta lên kế hoạch ‘trả thù’ – đầu độc người vợ cũng chính là chị họ mình.
Hầu hết các sự vụ, khi dục vọng và thù hận làm mờ mắt, đáng tiếc đàn bà lại chỉ nghĩ đến đàn bà. Họ cho rằng mọi nguồn cơn của những mối quan hệ tay 3 chẳng nằm ở đàn ông.
Không khó để search ra những cuộc đánh ghen khốc liệt trên Google. Đàn bà luôn biết cách làm đau nhau, dù đối phương vô tình hay cố ý. Ghen tuông làm mờ lý trí và không nghĩ đến hậu quả. Họ lột đồ, đánh đập, nhục mạ, thậm chí huỷ hoại nhan sắc của kẻ thứ 3 bằng axit còn kẻ đáng tội nhất thì vẫn được sự ‘khoan hồng’. Có lẽ là tâm lý chung của phụ nữ, ai nghe tin chồng mình có bồ việc đầu tiên sẽ lùng sục thông tin tình địch rồi cho cô ta một trận cho hả dạ cái đã. Ở mức độ nào thì vẫn là: ‘Nó quyến rũ chồng tôi’, ‘Anh ấy bị lừa’, ‘Lão ta đáng trách thật nhưng vì con kia quá xảo quyệt’… Quanh đi quẩn lại vẫn cứ là đàn bà làm khổ lẫn nhau.
Nhưng nếu cùng bị phản bội, đàn ông đối mặt lại rất khác biệt. Các nghiên cứu tại Đại học London đã phát hiện ra rằng đàn ông có sự trả thù tâm lý mạnh mẽ hơn phụ nữ và có xu hướng rạch ròi phân minh.
Nói một cách dễ hiểu, khi một người mà phụ nữ ghét gặp nạn, họ sẽ động lòng trắc ẩn, quên đi mình từng ghét người ta thế nào mà giờ có chút thương cảm. Đó là thứ cảm xúc rất đỗi tự nhiên. Nhưng ngược lại, đàn ông trong hoàn cảnh ấy họ rất hả hê, dù đối thủ có thảm hại bê bết đến mức nào họ vẫn cảm thấy đấy là cái kết xứng đáng.
Cô dâu bị chú rể công khai clip ân ái với anh rể ngay trong lễ cưới
Diễn biến tâm trạng khi bị phản bội của đàn ông phức tạp hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Nếu đàn bà dễ giận nhưng lại dễ tha thứ và chỉ quan tâm đến tình địch thì đàn ông bình tĩnh đến đáng sợ. Họ cũng chẳng mấy khi hằn học kẻ thứ 3. Ví như chú rể trong câu chuyện công khai đoạn clip nóng ngay trong ngày cưới vạch mặt vợ ngoại tình, anh ta tính toán từng bước đi. Kể cả đến lúc cô dâu hạnh phúc bước lên sân khấu anh ta mặt vẫn không biến sắc. Thế rồi đoạn clip ân ái của 2 kẻ phản bội hiện lên, mọi thù hận lúc ấy mới thực sự vỡ òa. Thật sự quá thâm sâu!
Có câu ‘trả thù 10 năm chưa muộn’ và đúng là xu hướng trả thù tình của đàn ông luôn diễn ra từ từ, nằm trong kế hoạch và cực kì khó lường.
Trả thù tình – Khi thế giới quan của con người sụp đổ…
Có muôn vàn kiểu trả thù tình. Và chắc chắn lúc tỉnh táo bản thân mỗi người sẽ luôn ý thức được hậu quả mà mình sẽ phải nhận nhưng sự hận thù lúc ấy đã làm mờ mắt. Cho dù phải trả giá thế nào họ cũng phải lấy lại được niềm tin đã bị phản bội. Đôi khi nhìn đối phương khánh kiệt mới là loại cảm giác hạnh phúc.
Các cặp đôi thường dùng nhiều cách để người ta trả thù nhau sau một cuộc tình ái.
Trả thù bằng thể xác: Dùng chính bản thân mình làm vũ khí ‘tấn công’ đối phương, hoặc phản bội lại để trả đũa, hoặc ấp ủ kế hoạch lớn hơn sau một thời gian dài để anh/ cô ta sáng mắt ra.
Trả thù về kinh tế là cách mà các bà vợ thường hay làm sau hôn nhân đổ vỡ. Vì bấy giờ tình yêu phần nào bị mài mòn rồi, gánh nặng trách nhiệm con cái đòi hỏi họ phải tỉnh táo, không thể hành động bằng cảm xúc. Và họ chọn cách bằng mọi giá vớt vát tiền bạc cho bản thân mình để ngày ra đi không tay trắng.
Trả thù bằng cảm xúc là loại để lại vết thương sâu đậm nhất. Như cách mà anh chú rể kia đã làm, bất chấp tất cả danh dự, thể diện của bản thân, của gia đình để làm nhục vợ tương lai trong ngày trọng đại của chính mình. Chưa nói đến vi phạm pháp luật, nỗi tổn thất về kinh tế và tinh thần anh ta phải gánh chịu nói riêng và gia đình, bạn bè nói chung thật quá lớn.
Có những sự trả thù, không đem về giải tỏa thỏa mãn mà chúng ta lại mất nhiều hơn được. Không dễ gì đối mặt với sự phản bội, khi cả thế giới quan của một người sụp đổ trong phút chốc. Tất cả cũng chỉ bắt nguồn từ 2 lý do: Một là người ấy không đối xử với chúng ta theo cách chúng ta mong đợi. Hai là họ đã cho chúng ta tình yêu mà chúng ta mong đợi lúc đầu nhưng sau đó họ đột nhiên lấy lại tất cả. Sự oán giận hình thành từ tình yêu quá lớn, nó vừa đáng thương lại vừa đáng trách.
Chính vì vậy sự hận thù nào cũng đến từ việc niềm tin bị phản bội. Càng tin bao nhiêu thì cảm giác đổ vỡ sau khi bị phản bội càng lớn. Nhưng hiếm có ai nhận ra việc cần làm của họ trong lúc này là khả năng tự sửa chữa sau khi ‘thế giới sụp đổ’.
Bạn có thể trả thù nhưng bạn vẫn không có khả năng đối phó với một thế giới hỗn loạn, không chắc chắn mỗi ngày. Cũng giống như nhiều phụ nữ không thể thoát ra sau khi chồng ngoại tình, họ cứ luẩn quẩn trong cái mớ bòng bong mà bản thân họ luôn là nạn nhân.
Sẽ rất nguy hiểm khi cuộc sống nội tâm không được ‘sửa chữa’, ở khắp mọi nơi đều là sự đổ nát, lừa dối, xấu xa. Sự trả thù tình hoàn hảo nhất là đưa bản thân trở nên tốt lên và tốt hơn nữa. Bởi sẽ có lúc bạn nhận ra điều quý giá, quan trọng nhất trong cuộc sống này không phải là có người yêu bạn mà bạn biết cách yêu chính mình.
Discussion about this post