Itaewon Class và loạt phim Hàn đình đám bị khán giả chê ‘đầu voi đuôi chuột’

Thời gian qua, ngành công nghiệp phim truyền hình Hàn Quốc trình làng không ít bộ phim vừa đồng thời lọt top rating (tỷ lệ người xem), vừa khiến phần đông khán giả cảm thấy hụt hẫng, đặc biệt khi đi tới chặng cuối cùng.

Sự thất vọng của khán giả, dễ nhận thấy, không đơn thuần là cảm xúc yêu ghét như tiếc nuối khi hai nhân vật chính tưởng như đã đến được với nhau nhưng cuối cùng vẫn “đứt phừn phựt”, hay tiếc cho các quý ông hoàn hảo trót sinh nhầm vai “nam thứ”, như trước.

Thay vào đó, thị hiếu xem phim của khán giả dần mang tính lý trí hơn. Người xem đánh giá, phân tích kỹ càng cách bộ phim đặt vấn đề, logic trong sự phát triển tâm lý nhân vật và tình tiết, thậm chí cả tính thống nhất của cốt truyện từ đầu tới cuối.

Để phục vụ khán giả ngày càng khó tính và chóng chán, nhà sản xuất cần những bộ phim khai thác thêm thể loại mới, bên cạnh dòng phim tình cảm lãng mạn đã trở thành thương hiệu của truyền hình Hàn Quốc.

Trong khoảng ba năm qua, truyền hình Hàn nở rộ những bộ phim thuộc thể loại hành động, kỳ ảo, kinh dị, viễn tưởng, lồng ghép với yếu tố tình cảm, nhằm đánh vào đối tượng chính là nhóm khán giả thanh thiếu niên.

Nhưng, dù các bộ phim có khai thác những đề tài giật gân đến mấy, yếu tố then chốt vẫn nằm ở cốt truyện và nhân vật. Chất liệu có đặc sắc đến đâu, mà nội dung lỏng lẻo, nhân vật hành xử bất tuân logic, thì cho tới sau cùng, thành phẩm vẫn chỉ là một thất bại.

Ví dụ mới nhất cho lối xây dựng tình tiết “đầu voi đuôi chuột” chính là Itaewon Class – loạt phim đứng thứ 6 trong danh sách những phim truyền hình cáp Hàn có rating cao nhất mọi thời đại với con số 11,8% sau 16 tập.

Trong thời điểm mà startup là xu thế, đội ngũ biên kịch của Itaewon Class đã xuất sắc “bắt trend”. Nửa đầu của loạt phim gặt hái thành công rực rỡ. Rating tăng vùn vụt sau mỗi tập, khán giả ca ngợi tác phẩm vì chuỗi tình tiết có lối xây dựng chặt chẽ, giàu kịch tính, xoay quanh hành trình khởi nghiệp khó khăn của một nhóm nhân vật trẻ.

Song, phim càng dài, đội ngũ biên kịch càng để lộ ra sự vội vã và lỏng lẻo trong cốt truyện và thiếu nhất quán ở hành động của các nhân vật. Thời gian trong phim đột ngột bị nhảy cóc 4 năm, phản diện hoàn lương chóng vánh và thiếu thuyết phục, đấu tranh tâm lý nửa vời, phản diện chính đột ngột mất đi sự lọc lõi… là hàng loạt lỗi bị khán giả chỉ ra.


Mối quan hệ của đôi nhân vật chính trong Itaewon Class bị cho là “chín ép”

Tuy nhiên, đáng thất vọng nhất phải kể đến sự phát triển trong tâm lý và tình cảm của hai nhân vật chính. Câu chuyện khiên cưỡng và chóng vánh tới độ khán giả cảm thấy Park Sae Ro Ji (Park Seo Joon) yêu Yi Seo (Kim Da Mi) vì kịch bản viết thế, chứ không phải vì anh cảm thấy như vậy.

Ngày nay, do áp lực của việc rút ngắn thời gian sản xuất, cũng như phản hồi ngay lập tức của khán giả sau mỗi tập phim lên sóng, kịch bản phim truyền hình sẽ được biên kịch hoàn thiện song song với quá trình ghi hình.

Kiểu làm việc cuốn chiếu mang đến lợi ích của sự tức thời. Nhà biên kịch sẽ luôn có cơ hội điều chỉnh kịch bản sao cho phù hợp với tình hình hiện tại, hoặc các sự cố không mong muốn xảy ra trong sản xuất. Nhưng mặt tiêu cực nằm ở chỗ bộ phim không chắc chắn, và khó để bám sát tinh thần ban đầu.

Việc chưa có kịch bản hoàn chỉnh trước khi bấm máy thường được cho là lý do hàng đầu khiến các bộ phim truyền hình Hàn Quốc thường bị tụt rating ở nửa sau. Nhưng cũng khó có thể bắt đội ngũ biên kịch chịu toàn bộ trách nhiệm. Đôi khi, yêu cầu của nhà sản xuất mới là tối thượng.


Nhân vật của Choi Jin Hyuk trong The Last Empress chính là ví dụ của việc biên kịch buộc phải chạy theo ý muốn của nhà sản xuất

The Last Empress là “nạn nhân” nổi tiếng nhất của thực trạng này. Do sự ủng hộ nồng nhiệt của khán giả, nhà sản xuất bộ phim quyết định kéo dài phim thêm 4 tập, nâng tổng độ dài bộ series từ 48 lên 52 tập. Đây những tưởng là một quyết định đúng đắn, nhưng hoá ra lại là mở màn cho một chuỗi thất vọng.

Đầu tiên, nam diễn viên Choi Jin Hyuk – người đảm nhận vai người vệ sĩ vô cùng quan trọng trong phim – không thể tham gia ghi hình các tập cuối. Hậu quả là nhân vật của anh bị ép phải chết. Theo đó, kết phim bị điều chỉnh và gây tiếc nuối vì quá bi kịch.

Memories of Alhambra là một cái tên nữa gây tiếc nuối. Kết phim, nhân vật nam chính trong trò chơi bị giết, và toàn bộ trò chơi được cài đặt lại từ đầu. Ngoài đời thực, nữ chính phát hiện ra người chơi nhân vật nam chính kia còn sống.

Khán giả nhận xét tập cuối của loạt phim võng du thể hiện sự bối rối của chính biên kịch khi tìm cách điều chỉnh kịch bản theo yêu cầu một cái kết mở, dọn đường cho phần tiếp theo của nhà sản xuất.


Memories of Alhambra bị đánh giá là có cái kết vụng về.

Tiếp theo đó là Arthdal Chronicle. Bộ phim truyền hình “độc, lạ” đối với màn ảnh nhỏ Hàn Quốc năm 2019 cũng bị đánh giá là thiếu trọn vẹn. Bộ phim lấy bối cảnh chiến tranh bộ lạc thời kỳ cổ đại khép lại đầy lửng lơ với những âm mưu chưa được hé lộ, những liên minh hắc ám mới được thành lập, và cả một hành trình thống nhất các bộ tộc còn dang dở.

Vagabond với sự tham gia của bộ đôi nhiều duyên nợ trên màn ảnh là Lee Seung Gi và Bae Suzy cũng tỏ ra là một đối thủ cạnh tranh của Arthdal Chronicle, không chỉ trong cuộc đua về lượng người xem, mà còn ở cả “cuộc đua” kết thúc dang dở.


Khán giả mong muốn Vagabond được làm tiếp mùa hai để giải quyết triệt để những mối quan hệ còn dang dở.

Tuy tập cuối Vagabond đã hé lộ phần nào âm mưu đằng sau vụ rơi máy bay ở đầu phim, nhưng khán giả vẫn còn quá nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Một trong số đó là mối quan hệ giữa hai nhân vật chính.

Điểm chung của ba bộ phim truyền hình này là gì? Chúng đều là những series khiến khán giả tiếc nuối tới độ họ ước rằng mình chưa xem tập cuối.

Từ khi Netflix xuất hiện, một bộ phận khán giả bắt đầu quen với kiểu xem liền mạch một bộ phim truyền hình từ đầu tới cuối. Tập cuối thường là lúc mọi vấn đề được giải quyết và không còn điều gì vướng mắc.

Nhưng với đa số, đặc biệt là những ai thích phim truyền hình Âu – Mỹ, việc một series kéo dài qua nhiều mùa là điều hiển nhiên. Thậm chí, số lượng season còn là một tiêu chí để đánh giá chất lượng nội dung, cũng như tính ăn khách. Khái niệm ấy thực tế vẫn còn mới mẻ với phim truyền hình Hàn Quốc nói riêng, và châu Á nói chung.


Arthdal Chronicle bị nhận xét là sẽ phí phạm vô cùng nếu không có mùa 2.

Nếu loạt phim có được sản xuất phần 2, thì câu chuyện sẽ không liên kết về nội dung với phần đầu, hoặc là một mùa phim với câu chuyện và nhân vật hoàn toàn mới. Series High Kick (Gia đình là số 1) đình đám một thời của Hàn Quốc chính là tiêu biểu cho kiểu làm phim ấy. Ba mùa phim khai thác câu chuyện của ba gia đình hoàn toàn khác nhau, chỉ lấy chung tên thương hiệu High Kick.

Do đó, việc phim Hàn cố tình để ngỏ tình tiết, hay quan hệ giữa các nhân vật ở tập cuối nhằm lôi kéo sự chú ý và chờ đợi mùa tiếp theo, dễ bị hiểu lầm thành thiếu sót trong khâu kịch bản, gây hụt hẫng cho khán giả.

Dù nhà sản xuất Arthdal Chronicle và Vagabond vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục sản xuất mùa tiếp theo, chừng ấy vẫn là chưa đủ để thoả mãn khán giả. Việc phải chờ đợi cả năm trời để xem tập tiếp theo của một bộ phim đáng ra có thể xem trong ngay tuần sau cũng là một điều khán giả phim Hàn chưa thể làm quen.


Cái kết giống hệt cảnh mở đầu của Vagabond khiến khán giả hụt hẫng.

Do đó, ở quy mô cá thể, thay vì nói Memories of AlhambraArthdal Chronicle hay Vagabond là những tác phẩm dở dang gây hụt hẫng, thì công chúng nên nhìn nhận chúng là những đại diện đầu tiên của kiểu làm phim truyền hình còn mới mẻ đối với khán giả phim Hàn Quốc.

Trên thực tế, những bộ phim truyền hình Hàn Quốc hiện nay ngày càng yêu cầu cao về kỹ xảo, hoá trang, cũng như dàn dựng cảnh chiến đấu. Kịch bản phim cũng cho thấy sự phát triển phức tạp trong các tuyến nhân vật.

Do đó, kiểu sản xuất và phát sóng theo từng mùa phim sẽ giúp tối ưu từng khâu trong quá trình sản xuất, bao gồm cả thời gian để biên kịch xây dựng hoặc điều chỉnh, để kịch bản vừa bám sát mạch phim, vừa đáp ứng được thị hiếu của khán giả.

 

Exit mobile version