Thời gian này, Denis Đặng đang phải đối mặt với vô số chỉ trích từ khán giả xoay quanh việc ‘đạo nhái’. Thậm chí, anh còn bị chính nghệ sĩ người Nga lên tiếng tố anh ăn cắp ý tưởng chụp ảnh.
Trước loạt ồn ào, tối 17/2, MV ‘Chân Ái’ – sản phẩm của Orange kết hợp với anh chính thức lên sóng và tiếp tục bị soi ra là ‘mượn’ tạo hình nghệ thuật của nước ngoài chứ không hẳn là hát Bội của Việt Nam.
Cụ thể, khuôn mặt của Denis Đặng trong ‘Chân Ái’ được nhiều người cho rằng đã sử dụng loại hình nghệ thuật nổi tiếng của sân khấu Nhật Bản là Kabuki. Trong khi đó, hát Bội của Việt Nam không có kiểu vẽ mặt này.
Kabuki là loại hình nghệ thuật kết hợp giữa diễn xuất, múa, âm nhạc và được công nhận là một trong những loại hình kịch nghệ truyền thống vĩ đại của thế giới.
Khán giả cũng đã ‘soi’ ra tạo hình phần tóc Fung La cũng có nhiều điểm tương đồng trong Kinh kịch của Trung Quốc. Đặc biệt là ở phần sợi dây cuốn quanh đầu còn gọi là Lặc đầu, hay Thiết Phiến Tử – nơi kéo hai mắt xếch lên. Trong khi đó, hát Bội của Việt Nam thì phần này chỉ là vòng tròn nhỏ, và không đính kim sa hột lựu.
Dạng tóc giả được “Lặc Đầu Thiết Phiến Tử” sử dụng là đặc trưng của Kinh Kịch Trung Quốc.
Lối họa mặt được cho là lấy từ lối họa mặt trong nghệ thuật Kịch Kanbuki của Nhật Bản.
Tạo hình được cho là mang nặng ảnh hưởng của Kinh Kịch Trung Quốc nhiều hơn là Hát Bội Việt Nam.
Trước hàng loạt thắc mắc của khán giả, mới đây, thông qua một chương trình, Denis Đặng đã chính thức lên tiếng. Anh cho rằng việc ‘mượn’ yếu tố văn hóa của mỗi quốc gia một chút để đưa vào sản phẩm của mình, vẫn tạo nên sự tách biệt, nên không thể gọi là ‘đạo’ mà là một sự lao động.
Denis Đặng chia sẻ: ‘Khi MV lên, khán giả lại bảo, sao sản phẩm này “đạo” Kinh Kịch của Trung Quốc, “đạo” Kịch của Nhật Bản, “đạo” chỗ này, chỗ kia? Thực ra đối với Denis thì những yếu tố Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam ngay từ ban đầu khi lên ý tưởng nó đã là như thế. Tôi cũng chia sẻ trước đó khá nhiều lần rằng tôi muốn sáng tạo một thế giới riêng, ở đó, tôi có thể “mix”, “trộn lẫn” các nền văn hóa lại với nhau, nhưng nhìn ở đâu đấy thì vẫn thấy được sự tách biệt.
Mọi người cũng đừng nghĩ rằng lấy chỗ này một ít, lấy chỗ kia một ít nó sẽ trở thành “đạo”, vì bản thân tôi, lấy chỗ này một ít, lấy chỗ kia một ít, để đắp vào với nhau thành một tổng thể hài hòa, cân đối và thu hút, đấy là một sự lao động. Nó không chỉ đơn thuần là đặt mọi thứ lại cạnh nhau’.