Thực hư thông tin phần mềm ‘truy vết’ Covid-19 Bluezone không bảo mật khiến người dân hoang mang

Bluezone là ứng dụng truy vết tiếp xúc, giúp cảnh báo nếu bạn đã ở gần người nhiễm COVID-19 do Chính phủ Việt Nam phát hành và được thực hiện bởi các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã chính thức ra mắt chính thức hôm 18/2.

Khi Bluezone được chính thức đưa lên Appstores, Google play, hàng nghìn người tải về sử dụng. Tuy nhiên, sau khi trải nghiệm, một số người đã lên tiếng cảnh báo về lỗ hổng nghiêm trọng của phần mềm này gây ảnh hưởng đến an toàn và riêng tư của người dùng.

Trước những ý kiến gây xôn xao này, Cục Tin học hoá đã lên tiếng. Cục chia sẻ phần mềm Bluezone do Cục Tin học hoá chủ trì phát triển, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) và Bộ Y tế, với sự tham gia của BKAV và một số nhóm phát triển tại Việt Nam.

Nhóm phát triển khẳng định ứng dụng Bluezone chỉ lưu dữ liệu trên máy người dùng, tuyệt đối không đưa lên server. Ngoài ra, ứng dụng này không thu thập vị trí của người dùng mà chỉ ghi nhận thời điểm, thời gian có sự gặp gỡ giữa các đối tượng, không định vị vị trí gặp gỡ nên lịch trình di chuyển của người sử dụng sẽ được bảo mật.

Ngoài ra, mỗi người dùng sẽ có một tài khoản định danh ID để ẩn danh tính thực. Từ thông tin ID được gửi trên hệ thống, người dùng biết là đã tiếp xúc với ID được cảnh báo, nhưng không biết thông tin ID đó thuộc về người nào. Chỉ cơ quan y tế có thẩm quyền mới được biết danh tính của những người nhiễm và nghi nhiễm do tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19.

Toàn bộ dữ liệu liên quan do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Y tế, Bộ TT-TT) quản lý, khai thác theo quy định của pháp luật. Đây cũng là xu hướng chung mà các nước trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Singapore và các nước khác đều đang áp dụng.

Trong quá trình xây dựng, nhóm phát triển do Cục Tin học hoá chủ trì đã tổ chức các buổi làm việc trực tuyến với đại diện của Google và Apple, với nhóm phát triển ứng dụng tương tự trên thế giới là SafePaths của MIT, Hoa Kỳ để cùng trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan.

Cục Tin học hoá chia sẻ thêm, trước khi chính thức ra mắt, Bluezone đã được đánh giá bởi các đơn vị chức năng của Bộ TT-TT cũng như đại diện của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an.

Đại diện Cục Tin học hoá cho hay: ‘Ngay từ đầu, Bộ TT-TT đã định hướng tạo ra một sản phẩm công nghệ thông tin tốt nhất phục vụ cộng đồng và kêu gọi cộng đồng người Việt trong và ngoài nước cùng tham gia đóng góp xây dựng. Cục Tin học hoá và nhóm phát triển đã gửi thư mời hơn 100 chuyên gia cùng tham gia sử dụng, phản biện. Tất cả các ý kiến phản biện đều được hoan nghênh và nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện phần mềm’.

Hiện, nhóm phát triển có kế hoạch mở mã nguồn và công bố các tài liệu kỹ thuật vào ngày 26/4 để cả cộng đồng cùng tham gia xây dựng và đóng góp.

Đến hiện tại, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có kế hoạch mở mã nguồn sản phẩm. Cục Tin học hoá cũng kêu gọi cộng đồng công nghệ trong và ngoài nước cùng chung tay vì một sản phẩm công nghệ tốt nhất cho xã hội.

Theo thống kê vào sáng 26/4, đã có trên 24.000 người sử dụng Bluezone. Với sự trợ giúp của ứng dụng này, người dân có thể tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng trước dịch bệnh nguy hiểm này.

Đồng thời, để ngăn ngừa và kiểm soát các nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trước khi chính thức có vắc xin phòng bệnh, người dân cần chú ý thực hiện các biện pháp y tế cần thiết như khuyến cáo của Bộ Y tế.

 

 

 

Exit mobile version