Các nhà khoa học tại Nhật Bản đã thiết kế một chiếc dĩa chạy điện có thể khiến thức ăn có vị đậm đà hơn, biến nó thành vật thay thế cho gia vị cực kì phổ biến là muối. Theo như Hiromi Nakamura, một nữ nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp tại Đại học Meiji ở Tokyo, công nghệ này sẽ đặc biệt hữu ích với những người có chế độ ăn đặc biệt.
Ví dụ, bệnh nhân có huyết áp thấp có thể ăn các món ngon mà không lo dùng nhiều muối. Thêm nữa, dòng điện chạy trong chiếc dĩa rất nhỏ nên sẽ không có khả năng người dùng bị giật điện.
Không cần cho muối, món ăn vẫn có vị mặn.
Ý tưởng thêm điện vào thức ăn được giới thiệu lần đầu tại tại Hội nghị thảo luận về tương tác giữa con người và máy tính ở Austin, Texas, Mỹ vào năm 2012. Nakamura và nhóm của mình đã kết nối một dòng điện 9 vôn chạy bằng pin với một ống hút đặt trong cốc đựng nước chanh có vị ngọt.
Nhưng người tình nguyện sau khi nếm thử đã nói là nước chanh có điện thì “nhạt” hơn, bởi vì dòng điện đã mô phỏng vị mặn của muối và làm trung hòa vị ngọt của nước chanh.
Nakamura, cùng với giáo sư Homei Miyashita, gọi hiện tượng này là “Sự tăng cường vị giác” và đã cố gắng hoàn thiện công nghệ để có thể chế tạo những chiếc dĩa và đũa truyền được điện vào thức ăn.
Nakamura giải thích: “Phần kim loại của cái dĩa là một điện cực, tay cầm sẽ là đầu điện cực còn lại. Khi bạn cắm thức ăn vào dĩa rồi cho vào miệng, dòng điện sẽ kín. Còn khi bạn rời dĩa ra khỏi miệng, dòng điện sẽ bị ngắt. Có thể nói nó hoạt động như một cái công tắc điện vậy”.
Cận cảnh chiếc “dĩa điện”.
Simon Klose, người dẫn chương trình Munchies (Mỹ), đã đến thăm Nakamura để thử nghiệm chiếc dĩa. Anh gọi đó là một trong số những trải nghiệm ăn uống đặc biệt nhất mình từng có. Trong đoạn clip dài 15 phút giới thiệu về công nghệ đặc biệt này, Klose nói: “Lúc đầu khi mới nghe từ ‘thức ăn nhiễm điện’ tôi thấy hơi ghê ghê”. Đến khi thử dùng chiếc dĩa để ăn món gà rán, anh chàng nhận ra chỉ một lát sau khi có dòng điện chạy qua, vị muối mặn trở nên rõ rệt.
Anh miêu tả: “Nó mặn thật! Thật tuyệt. Cảm giác mùi vị như đột ngột bùng lên ấy. Hơi cay cay tê tê, giống vị nước ngọt có ga vậy”.
Video: Chiếc dĩa biết thay đổi mùi vị thức ăn
Nakamura giải thích món ăn nhiễm điện thực chất đã xuất hiện cách đây hơn 250 năm – nó được khám phá bởi nhà khoa học Johann Georg Sulzer. Khi Sulzer vô tình chạm đầu lưỡi vào 2 tấm kim loại khác nhau cùng một lúc, ông cảm thấy có gì đó tê tê như có dòng điện chạy qua. Điều này đã tạo cảm hứng cho Alessandro Volta sau này sáng tạo ra pin.
Nakamura cũng khám phá ra “vị điện” rất tình cờ. “Tôi nghiên cứu xem liệu chúng ta có thể điều khiển máy tính bằng lưỡi được không, và đó là lúc tôi bắt đầu sử dụng điện. Một ngày nọ tôi thử cho điện chạy qua thức ăn, và ngay khi tôi bật điện lên, mùi vị thức ăn cũng thay đổi”.
Cô cũng thấy rằng, mặc dù lưỡi chúng ta không có nụ vị giác để nếm được “vị điện”, chính cô có thể cảm nhận được tác động của điện lên nụ vị giác đầu lưỡi. Cô nói: “Những vị cơ bản bao gồm ngọt, mặn, đắng, chua và ngọt thịt (umami). Tất cả chúng đều có các nụ vị giác trên lưỡi. Đối với điện thì chúng tôi vẫn chưa hiểu làm sao mà điện có thể kích thích nụ vị giác được”.
Nếu tăng dòng điện, vị mặn sẽ rõ rệt hơn.
Nakamura đã ăn “thức ăn nhiễm điện” trong suốt ba bốn năm qua để có thể hiểu rõ hơn về nó. “Không phải chúng tôi đang nấu ăn mà thực chất chúng tôi đang nghiên cứu giác quan của con người. Chúng tôi đang sáng chế thiết bị có thể giúp lưỡi cảm nhận vị điện, tức là “vị ảo”.
Nakamura hiện rất quan tâm đến việc sẽ có nhiều “món ăn nhiễm điện” trong tương lai, nhưng cô chưa từng nghĩ đến việc sản xuất hàng loạt loại dĩa này cho người tiêu dùng. Cô mới chỉ nghĩ đến việc sáng tạo và thiết kế các “vị điện” khác nhau, giống như nhạc sĩ đang sáng tác nhạc vậy.
“Âm nhạc mà truyền qua loa và tai nghe thực ra chính là điện được chuyển hóa thành âm thanh và rung động. Vì thế, nếu ta có thể truyền dòng điện âm nhạc đó lên cái dĩa này, ta có thể nếm được âm thanh bằng lưỡi mình. Sau đó, ta có thể tải “vị điện” đó lên YouTube hoặc Soundcloud, nơi sẽ được gọi là “Tastecloud” – một trang web mà tất cả mọi người có thể đăng tải “vị điện” của mình lên, bất kể là đầu bếp hay nhạc sĩ”.
Theo afamily.vn