Chủ quầy bánh mì từ thiện: “Bớt soi mói, bớt khắt khe một chút đời vui hơn nhiều lắm”

Từ khi chiếc tủ bánh mì từ thiện ở Sài Gòn ra đời, nó đã trở thành một hình ảnh rất đẹp trong mắt mọi người.

Mặc dù vậy, một clip gần đây chia sẻ việc một số người lạm dụng thùng bánh mì này, khi mỗi lần lấy nhiều chiếc (thay vì một chiếc như quy định), hay “đi xe máy vẫn vào lấy bánh mì” như clip đã phản ánh.
 
Không ít người tỏ ra tức giận, cho rằng lòng hảo tâm đã đặt nhầm chỗ. Tuy nhiên, chị Uyên, chủ quầy bánh mì từ thiện lại có một quan niệm rất khác. Chia sẻ trên trang cá nhân của mình, chị Uyên thẳng thắn:
 
“Các bạn coi cho kỹ thì những người đến lấy bánh trong clip cũng là tầng lớp lao động bình dân đấy thay. Vì các bạn coi miếng ăn quá lớn, ổ bánh mì quá lớn nên đòi hỏi phải đói rách, phải vé số, phải lang thang bụi bờ mới được ăn ổ bánh mì chưa tới ba ngàn đồng. Thương rớt nước mắt cũng các bạn, chửi rủa người ta không ra gì vì một ổ bánh mì cũng các bạn. Mà mấy bạn trẻ chửi rủa chắc gì đã cho ai được ổ bánh mì nào,…
 

“Tại sao anh bảo vệ thì không được ăn? vì anh có công an việc làm?

Tại sao một chị bán cháo lòng thì không được ăn? vì chị bán đồ ăn?

Mỗi người có riêng họ một câu chuyện nhọc nhằn mà không phải ai cũng biết. Ngay cả chúng ta còn có những nhọc nhằn, lo toan riêng mình mỗi khi tết tới xuân về. Sài Gòn là nơi thập phương tứ xứ dân về lập nghiệp, tết về, người phố thị lo một người quê có khi lo hai ba. Có thể bớt hẹp hòi không?

Một ổ bánh mì dằn bụng qua bữa mà tiết kiệm được vài chục ngàn một bữa ăn, được đồng nào hay đồng đó. Bạn thử ăn 1 tháng 30 ngày 60 bữa bánh mì thử có ăn nổi không? chắc gì chúng ta đã giúp được hẳn hoi 1 con người tiết kiệm được 15.000 x 2 x 30 ngày ? Chỉ là bữa tạm cho hằng bao nhiêu người vãng lai để phụ họ tiết kiệm được phần nào con số ấy đã là vui.

Bớt soi mói, bớt khắt khe một chút đời vui hơn nhiều lắm.“, chị Uyên nói.
 
Trong khi đó, cô Lan. chủ quầy bánh trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đã chia sẻ: “Nhiều người tới và lấy hơn một ổ bánh, nhưng tôi cũng dặn anh Lương (bảo vệ của công ty) rằng đừng quá khó khăn với những người đó. Bởi có thể một số người cần lấy thêm cho người thân của họ ở nhà, hoặc lấy hộ cho những người kém may mắn chưa được biết về quầy bánh thì sao?
 
 
Đã làm cái này, tôi nghĩ mình khó có thể tránh được những người lợi dụng. Nhưng tôi tin là số đó cũng ít thôi”
 
Nếu những chủ nhân của thùng bánh mì đều biết và hoàn toàn cảm thông với điều này, hà cớ gì mà chúng ta lại bất bình thay họ, trong khi chính chúng ta lại không đóng góp được gì nhiều?

“Mấy bạn hãy để cõi lòng mình đi cho nó rộng rãi chút. Làm quá khiến xã hội chỉ đầy rẫy hoài nghi và mỏi mệt. Sống vậy chẳng phải ngột ngạt lắm sao?“, chị Uyên kết luận.
 
 
Hoàng Vân

Theo Trí Thức Trẻ
Exit mobile version