Như đã đưa tin thì mới đây, cư dân mạng được một phen xôn xao vì loạt hình ảnh vị tổng giám đốc công ty Xăng dầu IQ8 đứng cúi đầu chào khách hàng ngay tại trạm xăng mới khai trương.
Hành động này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, cả tích cực lẫn tiêu cực. Tuy nhiên, có lẽ mọi người sẽ không ngạc nhiên nữa nếu biết rằng cúi chào là một nét văn hóa cực kỳ đặc trưng của Nhật Bản, là một nghệ thuật giao tiếp mà mọi người Nhật đều phải thuộc nằm lòng.
Cúi chào – nghệ thuật giao tiếp của người Nhật
Người Nhật không bắt tay, dù đôi lúc có ngoại lệ với người nước ngoài. Thay vào đó, họ cúi chào. Và ngay cả với người nước ngoài, việc bắt tay cũng phải kết hợp cùng cúi chào.
Chính xác hơn, cúi chào là phép lịch sự quan trọng và phổ biến nhất của người dân đất nước Mặt trời mọc, đến mức mọi công ty đều phải có giai đoạn đào tạo cúi chào dành riêng cho nhân viên mới, nhằm ứng dụng hành động này một cách chuẩn xác trong từng tình huống.
Sở dĩ phải vậy, là vì hành động này không chỉ đơn giản để chào. Tùy theo góc độ cúi của cổ, lưng và hông, hành động này còn để thể hiện sự tôn trọng với người đối diện, thay lời giới thiệu hoặc lời xin lỗi…
Nó phức tạp, nhưng tinh tế, đòi hỏi phải dùng đúng nơi đúng chỗ. Vậy mới được gọi là nghệ thuật.
3 kiểu cúi chào trong văn hóa Nhật Bản
Bức hình trên mô tả chính xác cách cúi chào của người Nhật. Nhưng cụ thể chúng có ý nghĩa gì, và cách sử dụng như thế nào?
Về cơ bản, cách cúi chào của người Nhật có sự khác biệt theo giới tính. Nam giới khi cúi chào lưng phải thẳng, tay đặt hai bên quần, mắt nhìn xuống. Tương tự với nữ giới, khác ở chỗ tay đặt phía trước đùi. Sau đó, tùy theo góc độ cúi, chúng ta có 3 kiểu chào khác nhau.
Đầu tiên là eshaku – kiểu chào thông dụng nhất. Kiểu chào này yêu cầu lưng cúi khoảng 15 độ, có trường hợp chỉ cần cúi đầu một chút. Kiểu chào này chủ yếu được dùng khi tình cờ lướt qua một người quen có vai vế xã hội cao hơn. Cũng có lúc eshaku được dùng để thể hiện lòng cảm kích, thay lời cảm ơn, nhưng kiểu chào này vẫn được xem là không phù hợp trong các sự kiện lớn.
Cúi chào, lưng luôn phải thẳng
Kế đó là keirei – cách chào được áp dụng trong các cuộc gặp gỡ của doanh nghiệp. Khi chào, cả thân trên cúi xuống khoảng 30 độ. Khi bước vào hoặc rời khỏi phòng họp, keirei là một hành động bắt buộc. Tương tự khi gặp gỡ với khách hàng cũng vậy.
Cuối cùng là saikeirei – cách cúi chào lịch sự và mạnh mẽ nhất, đòi hỏi người thực hiện phải cúi từ 45 độ. Saikeirei thường xuyên được sử dụng khi muốn thể hiện lòng biết ơn rất lớn với người khác, hoặc để thay cho một lời xin lỗi cực kỳ chân thành.
3 kiểu chào này sẽ được ứng dụng linh hoạt có điều chỉnh theo các tình huống thực tế. Ví dụ, khi một người cúi chào lâu hơn bình thường, bạn nên lịch sự đáp lại; hoặc như saikeirei có thể cúi đến 70 độ.
Người có địa vị cao luôn chào ở tư thế cao hơn và ngắn hơn, thậm chí có trường hợp không cần chào lại.
Nguồn: Nihon Scope, KCP
Theo OCT/ Trí Thức Trẻ