Đây là điều cấm kỵ mà tất cả sao Việt đều không dám phạm phải

Ngồi một góc quán ven đường, tôi nghe câu chuyện kiêng kị, không cho tiền người ăn xin của một nghệ sĩ trẻ với tất cả sự lạ lẫm. Lý do được đưa ra giải thích là: sợ mất lộc.

Dường như không chỉ mỗi anh có suy nghĩ đó. Rất nhiều cái tên trong nghề khác cũng nghĩ rằng nếu cho tiền người ăn xin, sau này họ sẽ có cùng số phận.
 
Sự tò mò khiến tôi có nhu cầu tìm kiếm và phát hiện ra đó không phải là điều cấm kỵ duy nhất của những người hoạt động nghệ thuật.
 
Có những điều nếu không được nghe, không được giải thích, có thể bạn chẳng thể tin nổi chúng có tồn tại.

Theo lời NSƯT Thành Lộc, nghề có ba vị Thánh Tổ gồm Tiên Sư, Tổ Sư và Thánh Sư. Và để tỏ lòng thành kính với Tổ nghiệp, cứ đến ngày 12.8 âm lịch hàng năm, các nghệ sĩ lại nườm nượp, người mang heo quay, người mang gà, trái cây đi cúng Tổ.

Ban đầu, ngày giỗ tổ chỉ dành cho giới cải lương, hát bội tuồng chèo nhưng sau đó các ca sĩ trẻ cũng lấy làm ngày giỗ Tổ của mình.

Sự tích về các ông Tổ cho đến nay tồn tại rất nhiều câu chuyện truyền miệng, có chuyện đã được kiểm chứng, có chuyện chưa nhưng đã hoạt động trong giới, các nghệ sĩ tuyệt nhiên tin tưởng.

Chính vì thế, trong mỗi sô diễn quan trọng, ở cánh gà lúc nào cũng có bàn thờ Tổ. Từ những cái tên gạo cội như Hoài Linh, Thanh Lam, Hà Trần cho đến các nghệ sĩ trẻ tuổi hơn như Trấn Thành, Minh Hằng, Bảo Thy,… ai cũng cẩn thận thắp nén hương để mong được Tổ phù hộ.

Quay trở lại câu chuyện không cho tiền người ăn xin, trong ba vị Thánh Tổ của nghề có một người là ăn xin. Thế nên, giới nghệ sĩ kiêng kị cho tiền vì họ nghĩ rằng cùng một ông Tổ không nên bố thí cho nhau.

Họ có thể mượn tay người khác hoặc tự tay mua đồ ăn để cho chứ tuyệt nhiên không được bố thí tiền lẻ. Có thể câu chuyện này đã tồn tại quá lâu nên khi được truyền miệng lại, nó cũng khác đi ít nhiều khiến các nghệ sĩ trẻ hiểu lầm.

Trong hai vị còn lại, có một vị là trẻ con, vị này cũng chính là biểu tượng cho sự hồn nhiên và trong trẻo của nghệ thuật. Ông cũng là lý do khiến các nghệ sĩ không được phép mang mía vào phòng thay đồ.

Bởi, trẻ con ngày xưa rất thích ăn mía. Nếu mang mía vào, vị Tổ này sẽ lao vào ăn mà quên chứng cho đêm diễn. Từ đó sẽ dẫn đến việc nghệ sĩ bị quên lời khi bước lên sân khấu.

Thị cũng là một loại quả bị cấm mang vào bởi mùi thơm của nó sẽ gây chú ý với nghệ sĩ, khiến họ mất tập trung trước khi bước lên sân khấu.

Ngày xưa, Đoàn hát đi diễn sẽ mang theo rất nhiều rương đồ diễn và phụ kiện. Khi Đoàn dừng, rương hát được sắp ra hàng loạt. Đó sẽ là nơi để nghệ sĩ ngồi trang điểm.

Nếu trẻ con ngồi lên rương và đá chân vào đó, trong Đoàn thể nào cũng xảy ra chuyện đánh lộn, cãi nhau. Đây là điều đã được NSƯT Thành Lộc thử làm và lần nào cũng dẫn đến một kết quả y hệt. Bản thân anh cũng không thể giải thích nhiều hơn về điều này.

Ngoài ra, trong phòng hóa trang, các nghệ sĩ không được đùa giỡn, nói tục mà phải yên lặng và tập trung nhất có thể.

Các nghệ sĩ khi lên sân khấu cấm đi guốc vông vì cây vông được dùng để tạc tượng, làm cốt ông Tổ. Nếu lấy để đi dưới chân thì bị xem như một sự ô uế, bất kính.

Cũng chẳng có chuyện khi đang trang điểm, người này khen người kia làm mặt đẹp quá. Đó là điều kiêng kỵ. Và nếu một nghệ sĩ lớn “bị” khen, họ sẽ bôi mặt đi và làm lại từ đầu.

Khi đoàn hát biểu diễn xong, trống là vật dụng không bao giờ được động đến. Người ta tin rằng trống là bộ phận trong cơ thể ông Tổ. Ngoài giờ diễn kiếm cơm, nghệ sĩ phải mang trả cho ông.

Những điều cấm kỵ trên đều được những người làm nghệ thuật ghi nhớ nằm lòng bởi họ tin rằng, nếu không làm theo đúng như thế, bị tổ trác là khó tránh khỏi.

 

Theo soha.vn

Exit mobile version