Khi Tận thế xảy ra, đây sẽ là nơi mà chúng ta cần tìm đến đầu tiên

Chúng ta từ lâu đã tưởng tượng ra kịch bản cho ngày Tận thế. Một ngày nào đó vì thiên tai, biến đổi khí hậu hay chiến tranh hạt nhân, cuộc sống của toàn bộ nhân loại sẽ đến hồi kết. Bởi vậy, một căn hầm "chống Tận thế" đã được dựng lên nhằm cứu rỗi cho nhân loại. 

Nói chính xác, đó là căn hầm hạt giống toàn cầu Svalbard Global Seed Vault (SGSV) được xây dựng tại bán đảo Svalbard của Na Uy nhằm bảo vệ "nòi giống" các loài thực vật khi Tận thế xảy ra.

Lấp ló giữa lớp băng vĩnh cửu của Bắc cực, cổng ra vào hầm ngầm giống như viên ngọc quý nhô ra khỏi tuyết và băng. Nó được xây dựng bằng bê tông góc cạnh. 

Ở cuối đường hầm là một cánh cửa kim loại có khối lượng lớn, sáng lấp lánh, đằng sau nó là chìa khóa để bảo vệ nhân loại trong một thế giới "hậu Tận thế".

Hầm ngầm chứa 837.931 mẫu vật, ước tính khoảng 556 triệu hạt giống, được lưu trữ ở nhiệt độ không đổi -18°C nhằm bảo quản chúng khỏi hư hỏng. 

Lớp băng vĩnh cửu tạo thành một chiếc tủ lạnh tự nhiên. Ngay cả khi không có điện, nhiệt độ trong hầm sẽ dần ổn định ở mức -8°C, đủ thấp để duy trì chất lượng hạt giống suốt nhiều thập kỷ.

Chủng loại hạt giống gửi đến lưu trữ ở hầm ngầm rất đa dạng, chủ yếu là cây lương thực, chẳng hạn như: ngô, lúa mì, lúa mạch, xà lách, khoai tây.

Người ta sẽ đóng gói cẩn thận các hạt giống vào một túi nhôm kín, dày ba lớp và khóa kín chúng vào thùng, trước khi vận chuyển.

Tại hầm ngầm, những túi nhôm kín sẽ được xếp vào thùng nhựa màu xám, đen, được gắn thể và đánh mã số để xác định ngân hàng gene nơi hạt giống gửi đến.

Chức năng của hầm ngầm giống như khoản tiền an toàn gửi vào ngân hàng. Sau khi đặt vào bên trong, các thùng không thể bị mở ra cũng như loại bỏ bởi bất kỳ ai ngoài cơ quan gửi hạt giống đến khi cần thiết.

Hồi tháng 9/2015, lần đầu tiên hầm Svalbard đã buộc phải mở cửa để cung cấp hạt giống nhằm phục hồi các giống cây đã bị hủy hoại trong cuộc nội chiến Syria. 

Theo các chuyên gia, nếu Tận thế xảy ra, đặc điểm di truyền trong hạt giống sẽ trở nên cực kỳ quan trọng khi có thể cứu rỗi toàn nhân loại.

Nguồn: BusinessInsider, Sciencealert

Theo Vyka/Trí Thức Trẻ

Exit mobile version