Dịp cuối năm luôn là thời điểm lượng người dùng có nhu cầu đổi điện thoại tăng cao, và với một chiếc smartphone hot như iPhone, đây luôn là lựa chọn hàng đầu kể cả là máy mới và cũ. Thời gian gần đây, nắm được tâm lý người dùng rất nhiều kẻ lừa đảo đã tìm cách “biến hóa” để tung ra thị trường những mẫu máy giả, từ iPhone 6 thành iPhone 6s và thậm chí còn quá sức tưởng tượng của chúng ta hơn khi họ có thể hô biến iPhone 5s thành iPhone 6s.
Phân biệt những chiếc iPhone đời cũ được “hô biến” thành đời mới đã khó, thế nhưng để hiểu về iCloud để đảm bảo mua được máy tốt còn khiến người dùng đau đầu hơn nữa. Trong khoảng một năm trở lại đây, thuật ngữ “iCloud ẩn” được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, người bán hàng thường nói vui rằng nếu máy bị iCloud ẩn, nó chỉ còn lại chưa nổi 30% giá trị.
Cận Tết là thời điểm lượng máy cũ bán ra rất nhiều, làm thế nào để kiểm tra được thiết bị bạn mua có dính iCloud ẩn hay không?
Hiểu về iCloud
iCloud là dịch vụ lưu trữ đám mây của Apple được sử dụng trên nhiều thiết bị kể từ iOS 7, trong đó có iPhone/iPad và máy tính Mac. Với iCloud, ngoài việc lưu trữ ảnh hay dữ liệu, người dùng còn có thể kích hoạt tính năng Find My iPhone từ đây để thiết lập máy về chế độ an toàn cao nhất mà Apple cung cấp. Khi chức năng này được kích hoạt, người dùng có thể khóa máy từ xa với tài khoản đã nhập trước đó. Đồng thời mỗi khi tiến hành nâng cấp phần mềm và restore thiết bị, người dùng đều phải nhập tài khoản, nếu không máy sẽ bị khóa vĩnh viễn.
Tính năng bảo mật mới này đã giúp tình trạng đánh cắp iPhone giảm đi đáng kể trên toàn thế giới bởi kẻ cắp nếu không có tài khoản iCloud sẽ phải bán máy với giá rất rẻ do máy bị giới hạn hoặc khóa vĩnh viễn.
“iCloud ẩn” là gì?
iCloud ẩn là một dạng iCloud vẫn tồn tại kích hoạt khóa (Active lock) trên server máy chủ Apple nhưng iPhone đã thoát ra hoàn toàn. Có nghĩa rằng thực tế iPhone đó vẫn bị khóa iCloud nhưng trên máy bằng thủ thuật người bán đã ẩn nó đi khiến bạn không nhận ra. Vì đã thoát iCloud trên máy nên bạn vẫn sử dụng thiết bị bình thường nhưng nếu restore thì iPhone, iPad sẽ trở thành một “đống gạch” không hơn không kém.
Khi mua phải một chiếc iPhone dính iCloud, bạn mất quyền truy nhập tài khoản và như vậy một chiếc điện thoại giá cả chục triệu đồng sẽ trở thành một cục chặn giấy đúng nghĩa vì không sử dụng được tính năng nào nữa. Trên thị trường vẫn có những cửa hàng vượt mặt được lỗi này nhưng giá không hề “dễ nuốt” và rất phức tạp.
Tuy nhiên vấn đề khi mua phải máy iCloud ẩn không chỉ là việc máy bị khóa, mà còn gây bức xúc bởi bạn đã bỏ số tiền lớn chỉ để mua về chiếc máy mà gần như chắc chắn là bị cướp và bán lại nên chủ cũ đã khóa tài khoản.
Làm thế nào để kiểm tra iCloud ẩn trên iPhone?
Cách 1: “iCloud ẩn” có tên là Activation Lock, do tình trạng mua phải máy bị khóa quá nhiều nên Apple đã cung cấp công cụ giúp bạn có thể kiểm tra tình trạng của máy chỉ bằng IMEI hoặc Serial. Đây là cách nhanh và dễ dàng nhất để kiểm tra ở thời điểm hiện tại.
Bạn cần truy cập website: www.icloud.com/activationlock/ sau đó nhập IMEI hoặc Serial của máy muốn mua vào ô đầu tiền, ô thứ 2 nhập mã xác nhận ở hình bên cạnh và nhấn “Continue”.
Nếu kết quả báo Activation Lock hiển thị là “On” có nghĩa thiết bị vẫn đang bị kiểm soát bởi tài khoản iCloud của ai đó (như hình dưới), bạn cần yêu cầu người bán gỡ bỏ tới khi kiểm tra kết quả là “Off”.
Cách 2: Trong trường hợp nơi bạn mua không có kết nối internet hoặc máy chủ lỗi không thể kiểm tra, có thể thực hiện cách thủ công để kiểm tra (áp dụng với máy chưa jailbreak). Truy cập Settings >> General >> Reset Erase All Content and Settings. Khi khởi động lại, máy sẽ yêu cầu tài khoản và mật khẩu iCloud nếu đang bị kiểm soát.
Cách 3: Nếu mua iPhone cũ đã tiến hành jailbreak mà không thể kiểm tra được từ máy chủ của Apple. Bạn có thể thực hiện theo cách sau:
– Vào ứng dụng Cydia trên iPhone đã jailbreak, tìm và cài đặt hai tweak: afc2dd và iFlie.
– Chuẩn bị một máy tính và cài đặt phần mềm iFunbox tại đây trên máy tính. Kết nối iPhone với máy tính đến khi ứng dụng iFunbox nhận được thiết bị.
– Truy cập theo đường dẫn “var > root > Library” trong iFunbox, tìm thư mục “Lockdown” copy sang máy tính để lưu trữ và xóa nó trên iPhone.
– Sau khi xóa, tiến hành truy cập Settings >> General >> Reset Erase All Content and Settings. Nếu máy sau khi khởi động không yêu cầu nhập tài khoản là đã xóa iCloud.
Theo GenK / Trí Thức Trẻ