Quá shock với góc khuất đen tối bị che giấu suốt trăm năm của chim cánh cụt

Nếu phải chọn ra loài vật dễ thương nhất hành tinh, rõ ràng chim cánh cụt là một ứng cử viên sáng giá. Bên cạnh mèo, chó, gấu trúc, koala… chim cánh cụt vẫn luôn nổi bật nhờ vóc người nhỏ nhắn, đôi mắt tròn lấp lánh, và dáng đi lạch bạch ngộ nghĩnh.

Tuy nhiên, trái với vẻ ngoài dễ thương và ngây thơ, đời sống xã hội của chim cánh cụt còn có một "mảng tối" mà con người đã chối bỏ nó trong suốt hơn 100 năm qua.

Cụ thể, đó là nghiên cứu về loài chim cánh cụt Adélie, do tiến sĩ George Murray Levick thực hiện từ những năm 1910. 

Khi đó, tiến sĩ đã quan sát đời sống tình dục của loài vật này. Có điều, ông quyết định không công bố nghiên cứu, vì kết quả đã chỉ ra những sự thật quá sốc, không phù hợp với cộng đồng thời bấy giờ.

Mảng tối khó chấp nhận của chim cánh cụt

Trước thập niên 1960, con người vẫn còn đánh giá rất khắt khe về giá trị đạo đức, đặc biệt là trong… chuyện ấy. Còn nghiên cứu của Levick thì cho thấy chim cánh cụt không có đức tính chung thủy như nhiều người ca tụng, khi con đực có thể kết đôi bừa bãi với bất kỳ con cái nào. Thậm chí, trong xã hội loài vật này còn có những mối quan hệ đồng tính.

Chừng đó có lẽ chưa đủ gây ấn tượng với chúng ta – những con người của thời đại mở cửa hơn rất nhiều. Tuy nhiên, những gì Levick phát hiện ra không chỉ có như thế đâu.

Trong chuyến khảo sát của mình, ông quan sát thấy loài chim cánh cụt có thể gây ra những vụ cưỡng hiếp, hiếp dâm tập thể và cả… ấu dâm. Có trường hợp thậm chí còn mắc chứng "ái tử thi", khi liên tục quan hệ với xác của một con chim cánh cụt đã chết gần một năm.

Trông thấy sự thật quá sốc, Levick đã quyết định không công bố nghiên cứu của mình. Ông ghi lại những gì đã quan sát được bằng tiếng Hy Lạp, để chỉ những người có học và tầm hiểu biết sâu rộng mới có thể hiểu. Mãi đến năm 2012 – tức là hơn 100 năm kể từ ngày nghiên cứu được hoàn thành, con người mới biết đến mảng tối kinh khủng này của loài chim cánh cụt. 

Đời sống "giường chiếu" phức tạp của chim cánh cụt

Thực ra, nghiên cứu của Levick không phải là bằng chứng đầu tiên về sự đáng sợ của chim cánh cụt ở thời điểm được công bố. Trước đó vào năm 1998, một nghiên cứu từ ĐH Cambridge thậm chí đã chỉ ra rằng loài vật này còn… tổ chức bán dâm.

Thứ chúng dùng để trao đổi không phải là tiền như con người, mà là đá cuội. Theo tiến sĩ Fiona Hunter từ ĐH Cambridge, đá cuội là một tài sản có giá trị với chim cánh cụt, vì chúng cần nó để xây tổ, đẻ trứng.

Đá cuội là một thứ tài sản có giá trị với chim cánh cụt

"Đá cuội là một thứ có giá trị đối với chim cánh cụt" – Hunter cho biết. Ngoài ra, lũ chim cái đôi lúc còn tinh quái đến mức khi những anh chàng hám sắc cầm đá đến cho mình, các gái "ngoáy mông" mấy cái, rồi cầm đá… biến thẳng, không ngoảnh lại.

May mắn là tỉ lệ chim cánh cụt "đi bán hoa" là rất thấp, chỉ vài phần trăm. Tuy nhiên, đây là loài duy nhất bên cạnh loài người có tập tính trao đổi tình dục để lấy "hàng hóa". Nội chuyện này thôi cũng đủ để chúng ta nhìn chúng bằng một con mắt khác rồi.

Nguồn: IFL Science, BBC

J – Trí Thức Trẻ

Exit mobile version