Xăm mình đến nay đã không còn xa lạ gì trong giới trẻ nữa. Dù vẫn còn đó những định kiến, nhưng nhìn chung xã hội ngày nay cũng cởi mở hơn rất nhiều đối với những người xăm mình.
Nhưng tạm gác lại câu chuyện định kiến với xăm mình đã. Các bạn có bao giờ để ý rằng: bằng cách nào mực xăm tồn tại được vĩnh viễn dưới da? Trong khi da người thay thế tới hơn 1 triệu tế bào da chết mỗi ngày, đồng nghĩa với việc bất kỳ thứ gì vẽ lên da sẽ bị thổi bay dễ dàng sau vài giờ đồng hồ.
Câu trả lời có lẽ sẽ khiến bạn thấy bất ngờ: mực xăm tồn tại vĩnh viễn là do cơ thể “tưởng” rằng chúng ta bị tấn công.
Quá trình xăm mình được thực hiện nhờ vào một loại “súng xăm”, đưa kim xăm đâm qua lớp biểu bì sâu xuống tận lớp hạ bì – nơi các sợi collagen, dây thần kinh, các tuyến mạch máu tập trung. Đây cũng chính là lớp da rất ít khi bị cơ thể đào thải.
Quá trình kim đâm vào da đã vô tình tạo thành những vết thương và tất nhiên cơ thể sẽ có những phản ứng y học nhất định. Lúc này, hệ miễn dịch sẽ mặc định rằng cơ thể đang bị tấn công và rồi bạch cầu sẽ di chuyển đến đây để sát trùng và chữa lành da.
Nhưng điều này thì liên quan gì đến mực xăm? Rất liên quan đấy, vì các phân tử mực xăm sẽ được coi là yếu tố xâm nhập bên ngoài, tức là kẻ thù của cơ thể. Tế bào bạch cầu khi gặp những gì được xem là kẻ thù sẽ ngay lập tức tấn công, cắn xé, nuốt trọn đối phương, bất kể đó là thứ gì. Đồng thời, một số tế bào khác cũng bắt đầu hút lấy mực xăm.
Tuy nhiên, mực xăm không phải là thứ có thể dễ dàng tiêu hoá, do đó nó sẽ nằm lại vĩnh viễn tại hạ bì, còn màu mực thì nổi bật trên nền da của chúng ta mà không có cách nào xoá bỏ.
Có điều, chỗ mực xăm này sẽ luôn bị coi là kẻ xâm nhập trái phép, nên cơ thể sẽ tìm cách đào thải chỗ mực này trong suốt cuộc đời.
Đó chính là lý do vì sao hình xăm sẽ mờ dần theo thời gian, dù có lẽ bạn sẽ mất… cả đời mà chưa chắc hình xăm có thể biến mất hoàn toàn.
Theo Trí Thức Trẻ