Khi còn bé, hẳn không ít bạn trong chúng ta rất ghét bị bố mẹ lôi đi bắt tắm bởi điều này sẽ khiến thời gian chơi, quậy phá bị giảm đi nên lẩn trốn để không bị tắm mỗi ngày. Nhưng cũng có người lại thích lấy cớ tắm – tắm đến 2 – 3 lần/ngày để vào nhà tắm vui đùa, nghịch nước.
Khi lớn lên, thói quen tắm rửa mỗi người ít nhiều có sự thay đổi. Có người tắm 1 – 2 lần/ngày vào buổi sáng sớm sau khi ngủ dậy và vào buổi tối trước khi đi ngủ, nhưng có những người lại “sợ nước” và tắm 1 lần/tuần mà thôi.
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Bao lâu chúng ta nên tắm rửa một lần là hợp lý?
Theo hai nhà khoa học Đức là tiến sĩ Joshua Zeichner và tiến sĩ Ranella Hirsch, nhiều lí do khiến chúng ta có tần suất tắm rửa như hiện tại bắt nguồn từ các thông lệ xã hội hay hiện tượng văn hóa nhiều hơn. Do đó, chúng ta thường bị ảnh hưởng bởi thói quen mà những người xung quanh vẫn làm.
Bạn có thể tắm rửa thường xuyên nhưng theo các nhà khoa học, thói quen này lại thực sự “lợi bất cập hại”.
Việc bạn tắm rửa quá thường xuyên, đặc biệt là với nước nóng sẽ không tốt cho da của bạn. Bởi lẽ khi đó, bạn sẽ rửa trôi sạch các lợi khuẩn cũng như lớp dầu trên da, khiến da ngày càng bị khô nhiều hơn. Điều này khiến da dễ bị nứt nẻ và bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ viêm nhiễm qua da cao hơn.
Tiến sĩ Zeichner nói rằng, việc tiếp xúc với những lợi khuẩn trên da sẽ khiến da ít nhạy cảm hơn, từ đó không dễ mắc bệnh dị ứng hay bệnh eczema.
Các chuyên gia khoa học khuyên rằng, tốt nhất, bạn nên tắm 2 – 3 ngày/lần.
Tuy nhiên, vào những ngày không tắm, bạn cũng nên vệ sinh một số vùng trên cơ thể như khuôn mặt, nách, phần dưới ngực (ở các bạn nữ), cơ quan sinh dục, mông.
Thay vì tắm hàng ngày, bạn có thể chuyển sang chế độ 2 – 3 ngày tắm một lần. Như vậy, bạn đã góp phần tiết kiệm 36.500 lít nước/năm.
Tuy nhiên, nhu cầu tắm rửa này còn phụ thuộc vào khí hậu và mức độ hoạt động của bạn. Bởi nếu quá dơ dáy, bạn cũng không thể để bộ dạng “bốc mùi” đó lên giường và ngủ ngon lành được, phải không nào?
Nguồn: ScienceDump
Theo Myn / Trí Thức Trẻ