Youth of May mang nét mơ màng với màu phim vintage, đi kèm những bộ trang phục giản dị, những bài hát đúng vào năm 80 và một nét ngố ngố của những chàng trai, cô gái vùng quê Gwang Ju. Mở đầu phim, chúng ta tò mò theo chân chàng trai tài giỏi, bảnh dáng Hwang Hee Tee (Lee Do Hyun) đến buổi xem mắt được bố mẹ sắp đặt để rồi cuối phim, mấy ai biết được buổi gặp mặt định mệnh đó lại kéo theo một tình cảm sâu đậm khắc cốt ghi tâm đến tận 41 năm sau.
Sẽ có rất nhiều đổi thay giữa cuộc đời, cũng sẽ có rất nhiều đoạn tình cảm mà cuộc đời chúng ta nếm trải, thế nhưng, thế nào thì mới là kết thúc cho một tình cảm vĩ đại nhất vào thời “ông bà ta”, khi mà khoảnh khắc yêu đến trong chốc lát lại có thể chờ đợi cả đời?
12 tập phim ngắn gọn và súc tích
Biên kịch Hàn luôn được xem là “đại nhân” trong đoàn phim bởi họ có khả năng cầm trịch một kịch bản vừa viết vừa quay, được phép yêu cầu đạo diễn giữ nguyên kịch bản và thậm chí họ còn có quyền lựa chọn diễn viên. Quyền lực của biên kịch Hàn luôn rất cao đi kèm với trách nhiệm nặng nề về rating.
Tránh sự dài dòng, làm đuối phim ở những tập cuối, phim Hàn từ thời 40 tập gần đây chỉ còn 16 – 20 tập và Youth Of May gọn ghẽ mở đầu cho phim truyền hình cực ngắn chỉ còn đúng 12 tập.
12 tập phim vừa đủ để biên kịch giữ lửa, vừa vặn để truyền đi thông điệp và hơn hết là quá đủ cho khán giả thổn thức.
Youth of May chứng minh sự thử nghiệm của mình thành công vượt trội khi trở thành phim có tỉ suất người xem (rating) cao nhất trong khung giờ tối thứ Hai, thứ Ba và tăng dần đều qua 12 tập phim (tuy không nhiều, chỉ từ 4.9% – 5.6%) cùng IMDb 9,0/10. Việc gọt giũa kịch bản ngắn gọn, súc tích chính là một trong những bí kíp mang đến thành công cho cả đoàn phim.
Sự mộc mạc và đơn giản
Hầu hết, những phim Hàn thời gian gần đây đều đẩy mạnh product placement (quảng cáo sản phẩm sắp đặt một cách tinh tế trong phim), tất cả đều trưng diện những bộ cánh hàng hiệu, đắt tiền để thu hút khán giả nhưng Youth of May lại không như thế.
Bối cảnh phim là một giai đoạn khốc liệt trong lịch sử hiện đại Hàn Quốc, cuộc nổi dậy GwangJu đặt nền móng cho nền chính trị dân chủ, góp phần đưa Hàn Quốc trở thành một cường quốc như hiện tại. Thời điểm đó, xứ kim chi phải đánh đổi rất nhiều điều, chủ yếu là của những học sinh, sinh viên và những người trẻ yêu nước năm 1980.
Tôn trọng lịch sử, trong phim, phong cách thời trang luôn giản dị, những bộ đồ đơn sơ, gam màu trầm ổn, có phần cũ kĩ, bối cảnh đơn giản được sắp xếp ở một làng quê nghèo chính là nét đặc trưng của bộ phim. Nữ chính của chúng ta Myung Hee (Go Min Si) thậm chí còn không dùng son và phần lớn đều phải để mặt mộc quay phim. Tưởng chừng sẽ làm cho bộ phim kém hấp dẫn nhưng đó lại là một nét đặc trưng mang đến tính thực tế cho bối cảnh lúc bấy giờ cũng như xuất thân nhân vật.
Chính nét đơn sơ này đã làm cho phần lớn khán giả của phim (những người U40, U50) rất thích thú và tìm thấy nét chân thật, bóng hình của mình trong từng thước phim.
Bao nhiêu nhớ nhung thì gọi là khắc cốt ghi tâm?
Bộ phim khép lại với một cái kết rất buồn, khán giả đã khóc rất nhiều cho cái kết đau nhưng lại hợp lý này của bộ phim này. Nữ chính ra đi, nam chính tuyệt vọng vì gia đình duy nhất của mình thậm chí không thể tìm được người thương. 41 năm sau, cũng vào tháng 5, nữ chính được tìm thấy. Chút tro tàn còn sót lại cùng bức thư đính ước chưa kịp đọc cho Hee Tae cuối cùng anh cũng đã nhận được sau 41 năm.
41 năm ròng rã trong sự tiếc nuối, oán trách và rất nhiều “nếu như”:
Nếu như năm đó không gặp nhau?
Nếu như lúc đó không dành cả trái tim yêu điên cuồng?
Nếu như để em ra đi?
Nếu như không lạc nhau?
Liệu em có còn sống? Liệu anh có hạnh phúc?
Thật ra, tình cảm không cần nhiều nếu như đến như vậy.
41 năm từ lúc Hee Tae mất Myung Hee, anh sống một cuộc đời lặng thầm trong căn hộ đơn sơ: 1 cái giường ngủ, 1 bàn làm việc. Đó là tất cả những gì anh có bên cạnh công việc giúp anh tiếp tục sống, chờ đến ngày gặp lại cô, chờ đến ngày có thể đắp 1 nắm mồ tử tế cho người mà cả đời mình yêu thương.
Hình ảnh tuyệt vọng khi Hee Tae tìm đến cái chết vì mất đi gia đình duy nhất của mình
Tờ rơi tìm Myung Hee của Hee Tae: Cô ấy là gia đình duy nhất của tôi
Nếu như có quay lại, có lẽ năm đó họ vẫn chọn sẽ gặp nhau, họ sẽ vẫn chọn là những người trẻ dũng cảm mang trái tim không sợ trời, không sợ đất mà yêu nhau mãnh liệt và cho dù sự chia cắt ấy có là nỗi đau suốt quãng đời còn lại thì chính đoạn tình cảm ngắn ngủi trong 3 tuần là liều thuốc an thần duy nhất cho 41 năm dài đằng đẵng về sau.
Không nhất thiết phải là một cái kết đẹp, nhưng một cái kết đặt vào thời đại đó với tất cả tình cảm vượt lên thời gian chính là minh chứng cho tình yêu đẹp nhất của Youth of May.
Giống như câu nói của Leonardo da Vinci – “The deeper the feeling, the greater the pain” (Cảm giác càng sâu, nỗi đau càng lớn).
Đám cưới không có người chứng hôn, không có người tham dự, cũng chẳng có áo vest và váy soiree nhưng lại là đính ước cả đời
Nếu là bạn, bạn có đủ dũng cảm đón nhận một tình yêu khắc cốt ghi tâm như vậy không?
Nguồn ảnh: Tổng hợp