Tình hình dịch Covid-19 tại khu vực TP.HCM hiện nay đã được cơ quan chức năng kiểm soát tốt. Đối với trường hợp của 2 bệnh nhân Covid-19 mới là BN1342 và BN1347, đã được đưa đi cách ly và tiến hành điều trị.
Theo như giả thuyết từ một cư dân mạng có tên là D.Q, thiệt hại mà 2 bệnh nhân này gây ra cho 14 địa điểm gồm các trường đại học, cơ sở tập luyện, quán cà phê ở TP.HCM có thể lên đến con số 154 tỷ đồng.
Nhân viên y tế đang thu gom các mẫu xét nghiệm Covid-19 của người dân. (Ảnh: Thanh Niên)
2 bệnh nhân 1342 và 1347 có thể khiến 14 địa điểm thiệt hại đến 154 tỷ đồng
Mới đây, trên MXH không khỏi xôn xao về màn tính chi phí thiệt hại mà 2 bệnh nhân Covid-19 vừa được phát hiện tại TP.HCM do chủ tài khoản Facebook có tên D.Q. thống kê. Theo đó, tài khoản này đã đưa ra quan điểm của bản thân về việc BN1342 và BN1347 gây ra thiệt hại kinh tế cho những địa điểm như trường đại học, cơ sở tập luyện thể thao, trung tâm Anh ngữ ở TP.HCM.
Cụ thể, tài khoản D.Q. cho biết, có 10 trường đại học tại TP.HCM đã tiến hành cho sinh viên nghỉ vì liên quan đến ca Covid-19 mới. Đối với trường Đại học Nguyễn Tất Thành, kể từ ngày 3/12 đã tiến hành cho 30.000 sinh viên nghỉ học để phòng dịch. Học phí trung bình của mỗi sinh viên là 2 triệu đồng/tháng, giả sử trường cho nghỉ học 2 tuần thì các sinh viên này đóng 30 tỷ đồng nhưng không được đi học.
Một trường tiểu học ở TP.HCM tiến hành đo thân nhiệt cho học sinh. (Ảnh: Lao Động)
Cũng tương tự đối với các trường đại học khác:
– Trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên TP.HCM: 20.000 sinh viên nghỉ học (từ 3/12). Mỗi sinh viên sẽ đóng học phí trung bình 1,1 triệu đồng/tháng. Giả sử trường cho nghỉ 2 tuần, toàn bộ sinh viên đóng 11 tỷ đồng mà không được học.
– Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM: 12.000 sinh viên nghỉ học (từ 3/12). Mỗi sinh viên sẽ đóng học phí trung bình 2 triệu đồng/tháng. Giả sử trường cho nghỉ 2 tuần, toàn bộ sinh viên đóng 12 tỷ đồng mà không được học.
– Trường Đại học Tài Chính-Marketing TP.HCM: 20.000 sinh viên nghỉ học (từ 3/12). Mỗi sinh viên sẽ đóng học phí trung bình 1,5 triệu đồng/tháng. Giả sử trường cho nghỉ 2 tuần, toàn bộ sinh viên đóng 15 tỷ đồng mà không được học.
– Trường Đại học HUTECH: 30.000 sinh viên nghỉ học (từ 3/12). Mỗi sinh viên sẽ đóng học phí trung bình 1,5 triệu đồng/tháng. Giả sử trường cho nghỉ 2 tuần, toàn bộ sinh viên đóng 22,5 tỷ đồng mà không được học.
Thông báo này được Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dán vào chiều ngày 1/12. (Ảnh: Thanh Niên)
– Trường Đại học HUFLIT TP.HCM: 10.000 sinh viên nghỉ học (từ 3/12). Mỗi sinh viên sẽ đóng học phí trung bình 2,6 triệu đồng/tháng. Giả sử trường cho nghỉ 2 tuần, toàn bộ sinh viên đóng 13 tỷ đồng mà không được học.
– Trường Đại học Văn Lang TP.HCM: 17.000 sinh viên nghỉ học (từ 3/12). Mỗi sinh viên sẽ đóng học phí trung bình 1,5 triệu đồng/tháng. Giả sử trường cho nghỉ 2 tuần, toàn bộ sinh viên đóng gần 13 tỷ đồng mà không được học.
– Trường Đại học Tôn Đức Thắng TP.HCM: 23.000 sinh viên nghỉ học (từ 3/12). Mỗi sinh viên sẽ đóng học phí trung bình 1,5 triệu đồng/tháng. Giả sử trường cho nghỉ 2 tuần, toàn bộ sinh viên đóng hơn 17 tỷ đồng mà không được học.
– Trường Đại học Sư Phạm TP.HCM: 14.000 sinh viên nghỉ học (từ 3/12). Mỗi sinh viên sẽ đóng học phí trung bình cho mỗi tín chỉ khoảng 263,000 đồng và cần 120 tín chỉ để học hết 4 năm, vị chi là khoảng 789 nghìn đồng/tháng. Giả sử trường cho nghỉ 2 tuần, toàn bộ sinh viên đóng hơn 5,5 tỷ đồng mà không được học.
– Trường Đại học Văn Hiến TP.HCM: 10.000 sinh viên nghỉ học (từ 3/12). Mỗi sinh viên sẽ đóng học phí trung bình 2,5 triệu đồng/tháng. Giả sử trường cho nghỉ 2 tuần, toàn bộ sinh viên đóng hơn 12,5 tỷ đồng mà không được học.
Chi phí thiệt hại tại 4 địa điểm khác mà tài khoản D.Q. đưa ra giả thuyết. (Ảnh chụp màn hình)
Trên đây mới chỉ là 10 ngôi trường đại học ở TP.HCM cho sinh viên nghỉ học vì có liên quan đến 2 bệnh nhân BN1342 và BN1347. Ngoài ra còn có 4 địa điểm khác cũng rơi vào tình trạng tạm dừng hoạt động do có liên quan đến 2 bệnh nhân trên. Theo đó, địa điểm tập luyện thể thao ở đường Phổ Quang, quận Tân Bình, TP.HCM; 2 trung tâm Anh ngữ; quán cà phê tại tòa nhà Viettel; quán karaoke ở đường Thành Thái.
Như vậy, theo như tài khoản Facebook D.Q. đưa ra giả định thì tổng chi phí bị mất trong 14 ngày của 14 địa điểm trên có thể lên đến 154 tỷ đồng. “Giả thiết là hai anh 1342 và 1347 gặp nhau trong 24 giờ, vị chi là mỗi giờ hai anh vui với nhau thì xã hội này mất 6,400,000,000, bằng chữ là 6 tỷ 4 tiền mặt”, tài khoản D.Q. cho hay.
Nam tiếp viên hàng không (BN1342) làm lây lan dịch Covid-19 bị khởi tố
Vào trưa ngày 3/12, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP.HCM đã chủ trì buổi họp báo công bố việc khởi tố hình sự “lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” căn cứ theo Điều 240 BLHS 2015. Được biết, đối tượng bị khởi tố đó chính là nam tiếp viên của hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines – bệnh nhân 1342.
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, bệnh nhân 1342 đã nhập cảnh từ Nhật về Việt Nam vào hôm 14/11. Trong khoảng thời gian từ 14/11 đến 18/11 bệnh nhân cách ly ở khu cách ly của do hãng bay quản lý tại quận Tân Bình. Tuy đã có quy định các thành viên tổ bay không được tiếp xúc với nhau trong khoảng thời gian cách ly. Thế nhưng, người này đã vi phạm quy định khi sang khu cách ly khác và dẫn đến việc nhiễm bệnh từ một người thuộc tổ bay trở về từ Rumani.
Một khu vực được phong tỏa do có liên quan đến bệnh nhân Covid-19 mới. (Ảnh: Thanh Niên)
Sau đó, nam tiếp viên vẫn ung dung về nhà trọ và cách ly sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV 2 lần. Tuy nhiên, khi ở trọ, nam tiếp viên không tuân thủ quy định cách ly mà tiếp xúc với mẹ, nam giáo viên 32 tuổi và 1 số người khác. Đến ngày 28/11, nam tiếp viên được xác nhận là dương tính với nCoV và trở thành bệnh nhân 1342. Nam giáo viên tiếp xúc với bệnh nhân 1342 cũng trở thành bệnh nhân 1347.
Ở thời điểm hiện tại, tuy TP.HCM đã kiểm soát được dịch, thế nhưng mọi người không được chủ quan mà lơ là công tác phòng dịch Covid-19. Nên đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên, hạn chế tụ tập đông người… để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Theo YAN