Mới đây, Công an tỉnh Long An đã phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Long An phát sóng phóng sự “Sự thật nơi tự xưng là Tịnh thất Bồng Lai” để thông tin đầy đủ những kết quả xác minh, điều tra.
Qua kết quả xác minh ban đầu, Tịnh thất Bồng Lai được thành lập vào năm 2014 do bà Cao Thị Cúc mua lại mảnh đất gần 2.000 m2 ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa rồi chuyển về đây sinh sống, sau đó sửa chữa lại làm điểm tu tại gia.
Ông Lê Tùng Vân (SN 1932, hộ khẩu thường trú phường 10, quận 6, TP.HCM) chuyển về đây sinh sống cùng nhà với bà Cúc từ năm 2015. Trước đó, ông Vân sống tại huyện Bình Chánh, TP.HCM và tự phong là giám đốc trại dưỡng lão và cô nhi Thánh Đức.
Đến năm 2007, do hoạt động không đúng theo quy định pháp luật về điều kiện vật chất, vệ sinh môi trường tại cơ sở không bảo đảm, việc chấp hành đăng ký tạm trú và đăng ký nhận nuôi con nuôi không tuân thủ quy định.
Ngày 25/7/2007, UBND huyện Bình Chánh có quyết định chấm dứt hoạt động đối với cơ sở Thánh Đức. Đến năm 2015, ông Vân bán hết đất tại địa chỉ trên về tạm trú tại hộ bà Cao Thị Cúc ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An và hành nghề nhận nuôi con nuôi làm từ thiện.
Tuy nhiên, thực tế, đa số trẻ sống trong hộ bà Cúc đều có mẹ đi cùng, không phải là trẻ em cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Hiện tại, hộ bà Cúc có 18 người đang cư trú, trong đó có 6 trẻ em đều có mẹ ruột cùng tạm trú. Thời gian qua, nơi đây lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ không nơi nương tựa để kêu gọi lòng tốt của mọi người trong và ngoài nước giúp đỡ, trục lợi cá nhân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, dư luận xã hội.
Không dừng lại ở đó, những người ở “Tịnh thất Bồng Lai” đã sử dụng tài khoản mạng xã hội để đăng tải các video không đúng sự thật và được sự ủng hộ của dư luận ban đầu.
Sau đó, “Tịnh thất Bồng Lai” bắt đầu bị dư luận nghi ngờ về bản chất hoạt động. Đến ngày 01/01/2020, ông Lê Tùng Vân đã làm lễ đổi tên “Tịnh thất Bồng Lai” thành “Thiền am bên bờ vũ trụ”.
Về việc này, Cơ quan chức năng ở tỉnh cũng nhận được nhiều thông tin ở nhiều nơi gửi đến phản ánh, tố cáo ông Lê Tùng Vân với nội dung tương tự như trên mạng xã hội.
Hiện nay, UBND huyện Đức Hòa đang tiếp tục làm việc với bà Cúc và những người phụ nữ đang tạm trú tại đây để làm rõ thêm về nội dung liên quan đến vấn đề trẻ em.
Trong khi đó, liên quan đến tôn giáo, Cơ quan chức năng khẳng định đây không phải là cơ sở tôn giáo. Về việc nay, Hòa Thượng Thích Minh Thiện – Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An đã có văn bản khẳng định “Tư thất Bồng Lai xã Hòa Khánh Tây không phải là cơ sở tự viện hợp pháp do Ban trị sự giáo hội phật giáo tỉnh quản lý”.
Những người đang sống và sinh hoạt tại đó không phải là tu sĩ phật giáo. Do đó, không liên quan đến sự quản lý của giáo hội. Sự việc mang tính chất lợi dụng hình thức tu sĩ phật giáo để lừa gạt lòng tin của tín đồ phật giáo để trục lợi”.
Ngoài ra, theo thông tin từ ngành chức năng thì kết quả xác minh cho thấy số trẻ em, thanh niên sinh sống tại “Tịnh thất Bồng Lai”, “Thiền am bên bờ vũ trụ” đa số là con ruột, cháu ruột của ông Lê Tùng Vân chứ không phải trẻ em mồ côi, cơ nhỡ.
Sau khi bị chính quyền vạch trần sự thật, theo ghi nhận, ngày 23/9, cổng của Tịnh thất Bồng Lai đóng kín. Bảng thông báo tạm ngưng tiếp khách trong thời gian này để phòng Covid-19 được dán trên cánh cửa.
Trao đổi với PV Zingnews.vn, ông Nguyễn Văn Đỏ (53 tuổi, ngụ xã Hòa Khánh Tây) chia sẻ tịnh thất này trước đây do một người đàn ông tên Thành sống và lập cơ sở thờ tự.
Hơn 10 năm trước, ông Thành rời mảnh đất này và tới Bà Rịa – Vũng Tàu. Trước khi đi, căn nhà, mảnh vườn được ông nhượng lại cho Cao Thị Cúc (khoảng 60 tuổi, ngụ huyện Cần Đước).
Năm 2015, ông Lê Tùng Vân cùng một số người khác đến đây sinh sống. Cánh cổng bằng tôn cao khoảng 3 m được dựng lên từ ngày ấy.
“Người địa phương hiếm ai nhìn được vào bên trong. Thỉnh thoảng, một vài đoàn từ thiện đến, họ mở cửa và đóng lại ngay”, ông Đỏ chia sẻ và cho biết, những người sinh sống trong tịnh thất không nói chuyện, tiếp xúc với hàng xóm và giữ thái độ biệt lập với người bên ngoài. Mọi sinh hoạt của họ đều diễn ra lặng lẽ phía bên trong bức tường bê tông.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn H. (52 tuổi) cũng tỏ vẻ tò mò trước những sinh hoạt bên trong cánh cổng cao 3 mét. Ông khẳng định đã nhiều lần vào đây để sửa chữa điện, tuy nhiên, lần nào cũng có điều khác lạ.
“Tôi vào tịnh thất sửa điện nhưng bà Cúc yêu cầu không được tùy tiện đi lại. Tôi đi đâu cũng có người bám theo như vệ sĩ. Những người sống trong tịnh thất có điều hơi khác thường, chẳng giao tiếp với ai ở địa phương. Cổng tịnh thất luôn đóng 24/24, kể cả ngày tết”, ông H. nói.
Nguồn: Nguoiduatin. vn