Mùa xuân đang gõ cửa khắp đất trời, một năm cũ đã qua, chào đón một năm mới đến. Đối với người Việt, tết cổ truyền không chỉ thiêng liêng, mà còn là những ngày trọng đại nhất trong một năm. Đây là một nét đẹp đã gắn liền với người Việt Nam xưa và nay. Từ nông thôn cho đến thành thị, đâu đâu, người dân cũng đang rộn ràng chuẩn bị cho chào đón thời khắc chuyển giao của năm.
Tết chính là dịp để tất cả mọi người trở về với gia đình, đoàn tụ với quê hương và nhớ về tổ tiên, nguồn cội.
Tết là thời gian “đóng băng” công việc
Ra đường, hàng quán lục đục đăng thông báo lịch nghỉ Tết, các shop thời trang bắt đầu “xả hàng” cuối năm, màu hồng của hoa đào, màu vàng của quất cảnh dần xuất hiện trên từng con phố vốn đã rực rỡ sắc màu càng khiến những người con ấy thêm nôn nao, mong ngóng.
Tết để đoàn viên
Tết Nguyên đán không chỉ là dịp để nhìn lại năm cũ, cầu mong những điều tốt đẹp hơn sẽ đến, mà còn là khoảng thời gian để gia đình đoàn viên, sum họp sau một năm vất vả.
“Đang yên đang lành, tự dưng Tết” – câu nói đùa vui được nhiều bạn trẻ chia sẻ trên mạng xã hội những ngày cuối năm âm lịch, ám chỉ khoảng thời gian “sấp mặt” vì dọn nhà, sắm Tết, quà cáp biếu tặng đang đến gần.
Có thể đối với một số bạn trẻ sống cùng gia đình, Tết là bận bịu, là tốn kém hay là khoảng thời gian tranh thủ “đi trốn”, nghỉ ngơi sau một năm làm lụng vất vả nhưng đối với những đứa con xa quê, Tết là là lý do “chính đáng” nhất để có thể gác lại công việc, bộn bề cuộc sống, trở về bên những người thân yêu.
Nếu là người con phải sống xa quê hương, chắc hẳn bạn đang rất mong chờ ngồi trên chuyến xe khách để trở về với quê hương. Chỉ cần nhắm mắt lại thôi, khung cảnh làng quê rộn ràng không khí tết, những món ăn tuyệt ngon do chính tay mẹ nấu, những giây phút hạnh phúc của cả gia đình quây quần quanh nồi bánh chưng,… sẽ hiện ra. Đó chính là Tết.
Tết là để sum vầy bên nồi bánh chưng
Vào những ngày giáp Tết, cả nhà cùng nhau ngồi gói bánh chưng, quây quần cạnh bếp hồng, tiếp củi cho nồi nước sôi sùng sục, chờ vớt bánh luộc chín, râm ran những câu chuyện hàn huyên bên ánh lửa bập bùng đã trở thành một tập quán đậm đà hương vị quê hương, một nét văn hóa của các gia đình người Việt.
Bánh chưng vẫn là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết. Nhưng ngày nay, do cuộc sống bận rộn, người ta thường chọn cho mình những cặp bánh chưng, bánh tét được bày bán sẵn khắp nơi vào dịp Tết.
Thế nhưng, ở đâu đó, tục gói bánh chưng vẫn không hề bị mai một. Bày ra bếp nào là nếp thơm, thịt ba chỉ, nào là nhân đỗ xanh, lạt mềm, lá dong, lá chuối, rồi cả gia đình cùng quây quần mỗi người một việc. Gói bánh chưng, bánh tét là một trong những việc mà trẻ con háo hức nhất mỗi dịp Tết.
Ở miền Bắc sẽ là bánh chưng, còn ở miền Nam sẽ là bánh tét. Về cơ bản, hai loại bánh này chỉ khác nhau về hình dáng, còn nguyên liệu và hương vị là tương tự nhau.
Tết là để đi “xông đất”, mừng tuổi
Thật thiếu sót nếu không nhắc đến lì xì trong ngày Tết nguyên đán bỡi lẽ đây là một nét văn hóa đã có từ rất lâu đời. Trong ngày Tết mọi người dành tặng cho nhau những bao lì xì đỏ rực với ý nghĩa mang lại may mắn, hạnh phúc cho nhau trong năm mới!
Hình ảnh ông, bà lì xì cho con cháu trong ngày Tết nguyên đán đã trở nên quá quen thuộc và phổ biến trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam.
Tục “xông đất” đầu năm trong ngày Tết nguyên đán được xem là nét văn hóa đã có từ lâu đời của người Việt với ý nghĩa mang lại nhiều điều may mắn, sức khỏe và tránh những điều xui xẻo trong một năm mới.
Vào ngày mồng một, người Việt Nam có phong tục đi chúc Tết họ hàng, bạn bè và những người thân quen của mình. Đó cũng là dịp để mỗi người thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, động viên nhau, gạt bỏ những tật hư, việc xấu, điều gở, bước sang một năm mới với tinh thần phấn chấn.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, người ta cứ nói Tết ngày càng “nhạt”, không còn vui nhưng đâu để ý rằng chỉ cần ngày cuối năm có đầy đủ các thành viên trong gia đình, mạnh khỏe, cùng nhau làm bữa cơm tất niên cúng gia tiên, vừa ngồi trò chuyện về những điều đã qua trong năm, ấy đã là một cái Tết “đậm” chứ còn tìm đâu xa nữa,
Trải qua ngày Tết mới thấy, phong tục ngày tết không phải là hình thức, mà chúng đề cao vẻ đẹp của tâm hồn, vẻ đẹp cội nguồn văn hoá của dân tộc Việt, là nét đẹp văn hóa truyền thống, thể hiện bản ngã cốt cách của người Việt trong cộng đồng dân cư mang tính lịch sử lâu đời, mà còn là thời điểm để mỗi người Việt “soi” lại chính mình với khát vọng hoàn thiện hơn khi xuân về tết đến.
Dù đi xa nhưng cứ đến ngày này, người người đều cố gắng trở về quê hương đoàn viên cùng với gia đình. Dù bao nhiêu năm trôi qua, những người con đất Việt vẫn không quên đi cội nguồn, mỗi ngày đều góp phần xây dựng và bảo trì nền văn hóa truyền thống đẹp đẽ.
Discussion about this post