Mới đây, chuỗi cửa hàng cà phê nổi tiếng của Mỹ Starbucks đã tuyên bố sẽ tiến hành “thôn tính” thị trường Trung Quốc, đặt mục tiêu sẽ mở được 500 cửa hàng mới vào năm 2016. Hãng cà phê hứa hẹn sẽ đem lại việc làm cho gần 10.000 nhân công tại đất nước đông dân nhất thế giới, mặc cho sự kìm hãm kinh tế đang xảy ra tại quốc gia này.
Starbucks đã thành công ở thị trường Trung Quốc.
Vậy có gì khác ở thị trường Á Đông như Trung Quốc? Điều gì đã khiến quốc gia đông dân trở thành thị trường lớn thứ 2 của Starbucks chỉ sau nước mẹ Mỹ? Sau đây chính là những yếu tố tạo dựng nên thành công cho Starbucks Trung Quốc:
1. Các cửa hàng có diện tích lớn hơn
Khác với thị trường Mỹ, nơi cuộc sống diễn ra một cách vồn vã chộp giật, thời gian là tiền là bạc, người Trung Quốc không thường mua đồ “take-away” mà thích ngồi cà kê, thư giãn, thưởng thức đồ uống nhàn nhã. Thay vì mang đi, người ta chọn các quán cà phê làm điểm đến.
Cứ ngồi xuống, nói đôi ba câu chuyện với bạn bè, người thân rồi đi đâu thì đi, sống vội quá làm gì cho chóng già. Đôi lúc, các quán cà phê lại là nơi để ký hợp đồng, gặp mặt đối tác, vừa lịch sự vừa rộng rãi thoải mái.
Cảnh thường thấy ở các cửa hàng Starbucks tại Mỹ luôn là cảnh xếp hàng dài dằng dặc chờ đến lượt gọi đồ, nhân viên căng hết cả dây đàn để phục vụ các thượng đế, hôm nào giở giời thì cãi vã cũng không phải chuyện hiếm gặp.
Ngược lại ở Trung Quốc thì quên đi, bởi người ta thích cảm giác được âu yếm bản thân, đắm mình trong hương vị đồ uống ngọt lành, thư giãn cho khoẻ người còn hơn đem lên văn phòng nhấm nháp, vừa dây bẩn vừa phải mệt người đi vứt rác.
2. Cà phê đắt hơn
Mỗi sản phẩm cà phê của Starbucks bán ra ở thị trường Trung Quốc đều đắt hơn bình thường 20%. Mặc dù cánh truyền thông Trung Quốc đã chỉ trích hành động này của Starbucks vì tội hãng này dám vừa ăn chả vừa quấn nem, đã ăn dày ở Trung Quốc còn dám lươn khươn bán đắt hơn nhưng ông lớn ngành đồ uống vẫn trơ trơ. Lý do là vì với thị trường uống trà 365 ngày như Trung Quốc thì chi phí chế biến đắt hơn là đúng.
3. Quán cà phê bán cả trà và bánh trung thu!?
Để phù hợp với văn hoá Trung Quốc, cũng như thoả mãn cái nhu cầu uống trà của người dân nước này, Starbucks đã đưa vào thực đơn các sản phẩm trà bánh truyền thống, trong đó có cả bánh trung thu nếu đúng dịp, tất nhiên là được chế biến một cách hiện đại hơn.
Tuy nhiên hiện giờ món bán chạy nhất trên các cửa hàng thị trường Trung Quốc lại không phải trà bánh, mà lại là loại đồ uống có tên “Strawberry Cheesecake Frapuccino”, một loại đồ uống bao gồm kem phô mai, vụn bánh và cả si-rô dâu, nghe thì hơi ngán nhưng chắc cũng ngon…
4. Các cửa hàng cực dị
Starbucks tại Bắc Kinh.
Cửa hàng tại Hàng Châu.
Starbucks Thượng Hải.
Cũng nằm trong chiến lược xâm nhập thị phần Trung Quốc của Starbucks. Hãng này đã cho cải tạo nhiều nhà cổ làm cửa hàng bán đồ uống. Tưởng tượng đơn giản là mấy ngôi nhà cổ ở Hội An đi bán Starbucks cũng hao hao đấy.
5. Xuất xứ các món rõ ràng
Người Trung Quốc cũng rất quan tâm đến sức khoẻ, vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ có điều họ yêu cầu cao hơn một chút, các thành phần có trong sản phẩm được bán ra phải có xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, nếu mua nguyên liệu ở chợ An Đông nhưng dán nhãn là nhập khẩu Hoa Kỳ thì chắc cũng chẳng giải quyết được nhiều vấn đề cho lắm.
6. Các quản lý rất quan tâm đến hoàn cảnh nhân viên
Xã hội Trung Quốc vốn vẫn còn đặt nặng cách nhận xét về thành công sự nghiệp của một người dựa trên danh xưng trên tấm card visit của mỗi người. Biết được điều đó, sợ nhân viên cảm thấy tủi thân vì công việc phục vụ của mình không được công nhận, nhiều diễn đàn gia đình đã được Starbucks lập ra nhằm khuyến khích gia đình của các nhân viên ngồi lại, cùng tìm hiểu về con đường nghề nghiệp của người thân khi chọn làm việc ở Starbucks.
Theo kenh14.vn
Discussion about this post