1. Ảnh hưởng đến giấc ngủ
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc sử dụng nhiều mạng xã hội có ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen ngủ hàng ngày của bạn. Ở một chiều hướng ngược lại, khi mất người, người dùng lại có xu hướng “check” mạng xã hội một cách “vô thức”. Hậu quả của vòng quanh luẩn quẩn này là làm cho bạn luôn cảm thấy mệt mỏi.
2. Gây thất vọng, buồn bã
Dành quá nhiều thời gian lang thang trên Facebook sẽ làm mức độ ghen tị của bạn tăng lên, một nghiên cứu của Trường Đại học Missouri khẳng định. Khi đạt đến một mức độ nhất định, ghen tị sẽ làm con người trở nên thất vọng, buồn bã.
“Chúng tôi đã tìm ra rằng người dùng Facebook thường xuyên trải qua cảm giác ghen tị với những gì bạn bè họ có được phơi bày trên Facebook. Hậu quả là những người này khả năng cao sẽ cảm thấy chán nản sau đó,” Giáo sư Margaret Duffy, tác giả nghiên cứu, chia sẻ.
Bạn nên nhớ rằng trên mạng xã hội, người ta có xu hướng chỉ chia sẻ những gì tốt đẹp nhất về bản thân.
3. Làm smartphone cạn kiệt pin
Ứng dụng Facebook dành cho cả smartphone Android và iPhone là một trong những cái tên ngốn pin hàng đầu. Chính mạng xã hội này cũng từng thừa nhận điều này và nói rằng vấn đề đã được giải quyết. Tuy nhiên, theo nhiều thử nghiệm gần đây, xóa bỏ ứng dụng Facebook vẫn có thể giúp bạn tiết kiệm được từ 15% đến 20% thời lượng sử dụng.
4. Làm giảm sút khả năng tập trung
Theo một báo cáo từng được trích đăng trên TheHuffingtonPost, khả năng tập trung của con người hiện nay đang ngày càng giảm xuống như kết quả của “lối sống thời đại số”. Dĩ nhiên, “lối sống thời đại số” có một sự đóng góp quan trọng của mạng xã hội.
5. Phá hỏng mối quan hệ
Facebook làm con người gần nhau hơn? Theo lý thuyết và trong hầu hết trường hợp là như vậy, nhưng nó đồng thời cũng khiến một mối quan hệ, dù có tính gắn bó cao như vợ chồng, bị phá hỏng. Quan sát hoạt động của các cặp đôi khác trên Facebook mang lại cảm giác không hài lòng về mối quan hệ của mình, chia sẻ quá nhiều dẫn tới cãi vã, “nhòm ngó” Facebook người cũ hay ít dành thời gian cho các hoạt động chung vì mải mê mạng xã hội là một số ví dụ.
6. Khiến bạn “xa lánh” xã hội hơn
Thực tế, càng hoạt động nhiều trên Facebook lại càng khiến bạn có cảm giác khó kết nối hơn khi gặp ai đó trực tiếp. Ở chiều hướng ngược lại, bạn bè của bạn trên Facebook có thể cũng không quá… quan tâm đến bạn như kì vọng. Một nghiên cứu đăng tải đầu năm nay trên tạp chí khoa học The Royal Society Open Science đã nghiên cứu 3.375 tài khoản Facebook với số bạn bè trung bình 150 người/ tài khoản. Kết quả cho thấy chỉ có trung bình 4 người bạn trong friendlist thực sự quan tâm đến những gì họ đăng tải.
7. Gây mất thời gian
Nhiều nghiên cứu về khoa học hành vi cho thấy thời gian bạn trên Facebook sẽ tỉ lệ thuận với mức độ tồi tệ của tâm trạng bởi với nhiều người sử dụng Facebook là một trong những việc gây tốn thời gian. Christina Sagioglou và Tobias Greitemeyer, hai nhà khoa học thuộc trường Đại học Innsbruck, thậm chí còn từng viết trong một nghiên cứu rằng, “rõ ràng là, khi so sánh với duyệt web nói chung, lên Facebook bị coi là một việc không mang lại nhiều ích lợi, thiếu ý nghĩa và mất thời gian.”
8. Theo dõi (thậm chí tác động) đến hành vi của bạn
Facebook sử dụng một thuật toán machine learning (tạm dịch: học máy, một lĩnh vực thuộc nghiên cứu trí thông minh nhận tạo) vô cùng phức tạp và tiên tiến để quyết định nội dung sẽ hiển thị trên Facebook của bạn. Ví dụ, nếu bạn thường xuyên thích các bài đăng về bóng đá, News Feed của bạn sẽ có nhiều nội dung liên quan đến bóng đá hiển thị hơn.
Nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại rằng một ngày nào đó Facebook sẽ hiểu về con người đến mức nó có thể tác động đến hành vi của bạn.
(Tham khảo: HuffingtonPost)
Theo Cú Mèo / Trí Thức Trẻ
Discussion about this post