Từ “bạn bè” luôn mang nhiều ý nghĩa. Chúng ta thích tạo cho người khác cảm giác rằng mình có nhiều bạn bè. Thế nhưng có thể sau đó, vào một tối thứ 7 đẹp trời, chúng ta lại ngồi trước máy điện thoại và tự hỏi tại sao mình muốn ra ngoài nhưng không biết rủ ai.
Facebook là một cách tuyệt vời để kết nối mọi người lại với nhau và thậm chí là tạo dựng cả những mối quan hệ mới. Với Facebook, bạn cũng có thể tạo ra những danh tiếng ảo, những nhóm bạn bè ảo mà ở đó bạn có thể kể (hoặc nói dối) về cuộc sống tuyệt vời của mình.
Thế nhưng trong số những bạn bè trên Facebook đó, ai mới là bạn thật, ai mới là người bạn có thể tìm đến khi cần? Robin Dunbar, giáo sư tâm lý học tại Đại học Oxford, cho biết ông đã tìm thấy câu trả lời. Ông từng tự hỏi những dịch vụ như Facebook liệu có giúp con người duy trì một mạng xã hội lớn hơn không. Kết luận của ông như sau: “Có một sự hạn chế nhận thức trong kích cỡ của mạng xã hội mà thậm chí những lợi thế trong cách thức liên lạc của các phương tiện truyền thông trực tuyến cũng không thể vượt qua được”.
Chúng ta có thể có 150 hoặc 5.000 bạn bè trên Facebook những những mối quan hệ thực của chúng ta với phần lớn những người này là không đáng kể. Dunbar đã xem xét 2 nghiên cứu được thực hiện tại Anh trong tuần đầu tiên của tháng 4/2015 và tuần thứ 3 của tháng 5/2015. Không giống như những nghiên cứu mạng xã hội khác, 2 nghiên cứu này không chỉ được thực hiện với các sinh viên. Những người tham gia nghiên cứu có độ tuổi từ 18 đến 65 với tổng số 3.375 bản trả lời câu hỏi. Trung bình số lượng bạn bè trên Facebook những người này sở hữu là 150. (Phụ nữ có số lượng bạn trên Facebook nhiều hơn nam giới). Điểm mấu chốt của vấn đề rất đơn giản. Khi được hỏi có bao nhiêu “bạn thật” bạn có trên Facebook, câu trả lời trung bình là 27,6%.
Tuy nhiên khi được hỏi có bao nhiêu người bạn trên Facebook bạn có thể dựa vào trong những cuộc khủng hoảng tình cảm hoặc xã hội, những người tham gia nghiên cứu cho biết con số này chỉ là 4 (chính xác là 4,1). Khoảng 14 (chính xác là trung bình 13,6) người trong đó thể hiện sự cảm thông, theo câu trả lời của người tham gia nghiên cứu. Sự khác biệt về câu trả lời của những người thuộc các độ tuổi khác nhau là gần như không có.
Theo Dunbar: “Những người này dù sở hữu mối quan hệ rộng trên mạng xã hội nhưng lại không tăng số lượng bạn thân mình đã có mà chỉ tăng thêm số lượng các mối quan hệ xã giao vào vòng tròn bạn bè của mình”. Trong đời thực, những người trẻ có những mối quan hệ trên mạng xã hội rộng hơn những người lớn tuổi. Khi bạn lớn tuổi hơn, bạn thường nhanh chóng nhận ra những điều giả dối.
Facebook không trả lời bình luận về nghiên cứu này.
Ngoài ra, Dunbar cũng cho biết, có một “mối liên hệ giữa thời gian đầu tư vào một mối quan hệ và chất lượng của nó”. Não bộ của bạn có thể tiếp nhận nhiều mối quan hệ và nhiều mối quan hệ trên Facebook nhưng cảm xúc của bạn thì chỉ có thể chia sẻ với một số ít người. Facebook thực ra chỉ là một thứ ngốn thời gian mà không tạo ra sự đồng điệu về tâm hồn.
Dunbar cũng đưa ra những lời khuyên để duy trì tình bạn chân chính: “Tình bạn cũng có một mức độ ăn mòn tự nhiên nếu thiếu sự liên lạc, và mạng xã hội có thể thực hiện tốt chức năng làm giảm tốc độ ăn mòn này. Tuy nhiên, chỉ sử dụng mỗi mạng xã hội là không đủ để cứu tình bạn khỏi cái chết tự nhiên nếu không được củng cố bằng những tương tác thực”.
Theo ictnews.vn
Discussion about this post