Đúng vậy, một số ngành nghề và vị trí đặt nặng yếu tố này hơn hẳn. Nhưng trong những ngành chẳng hạn như dịch vụ tài chính, nơi mọi ứng viên đều có CV, trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc gần như nhau thì những ai có kỹ năng mềm nổi bật sẽ được tuyển dụng.
Dưới đây là 4 điều mà các tuyển trạch viên luôn tìm kiếm ở bất kỳ 1 ứng viên nào:
1. Hòa đồng với người khác
Các cuộc phỏng vấn ngay trong bữa ăn trưa thường có mục đích xác định xem 1 ứng viên có thích hợp với một nhóm khác hay không. Liệu người này có khéo léo khi nói chuyện phiếm, khi cười và hòa nhập với nhiều cá tính khác nhau trong nhóm hay không?
Trong những trường hợp như vậy, các nhà tuyển dụng đang tìm cách đánh giá khả năng kết nối cá nhân của bạn và đôi khi việc này còn gồm cả hình thức cho các đồng nghiệp tương lai phỏng vấn ứng viên.
Trên thực tế, nhiều chuyên gia nhân sự cho rằng có thể đào tạo các kỹ năng chuyên môn cho một người mới nhưng kỹ năng kết nối cá nhân là rất quý báu và rất khó đào tạo.
Có một cách để nâng cao kỹ năng này là tham gia các sự kiện xã hội mà bạn ít để mắt đến. Hãy mạo hiểm đi ra khỏi khu vực an toàn của mình, thậm chí trong 30 phút thôi, ép bản thân có những cuộc trao đổi thoải mái với ít nhất 3 người.
Nhờ thế, bạn sẽ mài dũa được kỹ năng giao tiếp của mình và có thêm kiến thức về các chủ đề mới để bàn luận.
2. Hứng thú với công việc
Thay vì kìm nén sự nhiệt tình trong 1 cuộc phỏng vấn, hãy để cho tham vọng và khát khao thực sự của bạn được bộc lộ. Khi bạn nghĩ rằng có 1 phân tích định lượng hay kinh nghiệm đánh giá sâu ở các chuyên gia tuyển dụng thì thường là họ chỉ đang tìm kiếm những điều cơ bản như ‘ngọn lửa khát khao với công việc’ chẳng hạn.
Các ứng viên có thể truyền tải điều này bằng cách giải thích họ mường tượng ra sao về một sự nghiệp phát triển rực rỡ trước mắt. Đây không phải là một cuộc trao đổi có thể giả bộ hoặc đánh bóng được qua thư xin việc.
Những nhà tuyển dụng nhạy bén có thể thực sự thấy được ngọn lửa trong mắt mỗi ứng viên khi họ bắt đầu nói về sự nghiệp hoặc chuyên môn của mình.
Tuy nhiên, hãy thận trọng. Thể hiện mối quan tâm và tham vọng của bạn là cần thiết nhưng nếu đi quá xa, việc đó có thể phản tác dụng và khiến các nhà tuyển dụng mất cảm tình.
3. Làm việc chăm chỉ
Hãy chuẩn bị kỹ càng 1 ví dụ về đạo đức nghề nghiệp của bạn. Ngay cả khi nhà tuyển dụng không hỏi, hãy tìm cách đưa nó vào một cách khéo léo.
Vào cuối buổi phỏng vấn khi được đưa ra các câu hỏi, bạn hãy hỏi về văn hóa công ty và đưa ra ví dụ về lúc bạn nỗ lực cao hơn mức yêu cầu và bạn cảm thấy thích thú ra sao khi được sánh vai cùng những người làm việc chăm chỉ và hiệu quả nhất.
Hãy nghĩ theo hướng này: Các nhà quản lý không muốn tốn thời gian giám sát ai đó từng ly từng tí và chắc chắn họ không muốn nghe 1 nhân viên từ chối không làm việc gì đó vì đó ‘không phải là việc của mình’.
Thay vào đó, họ muốn có một ứng viên sẵn sàng xắn tay áo tham gia vào mọi việc, liên tục thay đổi để thích nghi, học tập, trưởng thành và gây ảnh hưởng lên toàn công ty.
4. Dễ mến
Một lần nữa cần nhắc lại, đây không phải là kỹ năng mà các nhân viên có thể học được từ sách giáo khoa. Các nhà tuyển dụng chia sẻ rằng họ luôn lựa chọn những người dễ mến. ‘Ai cũng thích họ’ là câu trả lời thường thấy.
Ngoài ra, các nhà tuyển dụng còn ‘chấm’ những ứng viên mà họ cảm thấy có thể cùng ăn mừng sau khi cả đội đã hoàn thành công việc.
Theo Cafebiz/Trí thức trẻ
Discussion about this post