Thứ sáu ngày 13 báo trước điềm gở cho chế độ phụ quyền ở Pháp.
Chiều hôm đó nữ nhà báo Sandra Muller, lướt theo làn sóng thất vọng muộn màn "hậu Harvey Weinstein", đã tung lên Twitter lời kêu gọi phụ nữ #balancetonporc hoặc "hãy tố giác con heo bạn gặp phải", bằng cách công khai danh tính những người đàn ông đã quấy rối tình dục họ tại chỗ làm, và kể lại chi tiết hành vi của “những con heo” đó.
Muller bắt đầu bằng câu chuyện của riêng mình, cô nêu đính danh tên tuổi sếp cũ của cô, người từng “hồn nhiên” nói với cô rằng "em có bộ ngực thật đầy đặn, em là kiểu phụ nữ anh ngưỡng mộ, anh có thể làm cho em sung sướng cả đêm dài”.
Báo Pháp đưa tin về sự đồi bại của ông trùm Hollywood Harvey Weinstein – Ảnh: France24
Câu chuyện của các nhà báo và những người khác làm việc trong giới truyền thông nằm trong số những tin nhắn được đăng lại nhiều nhất. Từ ngày Chủ nhật, từ khóa #balancetonporc đã chiếm vị trí thứ nhất trong các từ khóa Twitter ở Pháp và chiếm vị trí thứ ba trên toàn thế giới, khi hàng nghìn phụ nữ tham gia làn sóng “tố giác”.
Giulia Fois, phóng viên đài phát thanh, kể lại một cuộc gặp gỡ phiền lòng qua tin nhắn Twitter được chia sẻ rộng rãi: "Một tổng biên tập đài phát thanh hàng đầu, hành lang hẹp, chộp lấy cổ tôi, 'sẽ có ngày tôi ngủ với cô dù cô muốn hay không’, ông ta đe dọa”.
Cô cho biết, sau đó cô đã nộp đơn khiếu nại, nhưng “chẳng ai tin và cũng không ai nghe thấy gì cả”.
Một nhà báo làm việc tại kênh truyền hình BFM viết rằng khi cô còn là một thực tập sinh trẻ tại một đài khác, "một nhà sản xuất nói với tôi trong khi nhìn chằm chằm vào mông tôi, 'hãy đi trước mặt tôi để tôi có thể nhìn thấy cô, cô đi giày cao gót khiến ‘nó’ trông càng hấp dẫn”.
Một nhà báo khác, cô Anne-Claire Huet, viết: "23 tuổi. Hợp đồng ngắn hạn. Một tổng biên tập ‘bình thản’ đặt tay lên đùi tôi khi chúng tôi ngồi trong xe hơi đi đưa tin”.
Mặc dù ít gặp hơn, nhưng các Twitter của nam giới thường kể lại những quan sát của họ về việc các đồng nghiệp bị quấy rối.
Matthieu Bidan, một nhà quay phim viết rằng trong quá trình thực tập tại một "kênh truyền hình lớn", anh nghe lỏm được một nhân viên ở đó nói về một bạn gái thực tập sinh rằng "cô ấy sẽ bị ‘làm thịt’ ở chỗ vắng người”.
#balancetonporc kêu gọi tố giác những kẻ quấy rối tình dục tại chỗ làm việc trở thành từ khóa phổ biến nhất ở Pháp – Ảnh: BBC
"Vị giáo sư đại học này đã đánh đổi các buổi dạy kèm lấy các bức ảnh khỏa thân. Có khiếu nại, nhưng không bao giờ điều tra”, một phụ nữ ở Lyon viết. Các trường đại học và thậm chí các trường trung học cũng được coi là “điểm nóng” của các câu chuyện #balancetonporc.
"Một thầy giáo thể dục đặt tay lên mông tôi để sửa lại tư thế của tôi trong giờ thể dục".
Một người viết cho Adweek đăng lên Twitter rằng, sếp cũ từng có lần nói với cô rằng: "cô có nhiều hứa hẹn, cô sẽ thành công trong công việc của mình”, rồi ông ta “nắm lấy tay tôi và đặt nó lên của quý của ông ta”.
Lĩnh vực nhân đạo cũng không ngoại lệ.
Manon Aubry, tuyên truyền viên cao cấp của Oxfam France và giảng viên của Sciences Po, viết: "#Balancetonporc cũng có trong thế giới phi lợi nhuận. Giám đốc phái đoàn của một tổ chức phi chính phủ đã ve vãn các phụ nữ trong nhóm, ông ta dùng vai trò lãnh đạo của mình để gây khó dễ đối với những người từ chối ông ta”.
Theo một nghiên cứu năm 2014 của chính phủ Pháp, 20% phụ nữ ở Pháp bị quấy rối tình dục tại chỗ làm việc một lúc nào đó trong cuộc đời, nhưng 30% trong số đó sẽ không bao giờ nói gì cả.
Discussion about this post