Flan là loại bánh được rất nhiều người yêu thích bởi hương vị thơm ngon, beo béo, thanh mát. Cách làm flan không quá khó nên hiện tại hầu hết chị em đều có thể tự thực hiện tại nhà. Tuy nhiên, trong quá trình làm bánh flan, nhiều người hay gặp các trường hợp bánh bị tanh, bị rỗ, không được mịn mượt như ngoài hàng.
Thường xuyên làm flan cho con ăn nên Ngọc Huyền (24 tuổi, đang sinh sống tại Iraq) có rất nhiều kinh nghiệm trong việc hạn chế được những lỗi khi làm bánh này tại nhà. Cô gợi ý những bí quyết của mình lên một hội nhóm nấu ăn và nhận được hơn 14 nghìn lượt like và chia sẻ.
“Mình chia làm làm 2 phương pháp cả hấp và nướng để chứng minh cho mọi người xem chỉ cần làm đúng cách thì dù hấp hay nướng cũng sẽ cho kết quả tốt như nhau”, Huyền nói.
Theo phương pháp của Huyền, ai làm flan bị tanh dù đã cho vani, bị rỗ dù lửa nhỏ hay mặt bánh bị nhăn thì có thể tham khảo để xem mình làm bị lỗi ở bước nào. Cô làm từ bánh flan thường đến flan phô mai hay flan cốt dừa đều có kết quả hoàn hảo.
Dưới đây là những mẹo tuyệt hay khi làm flan do Ngọc Huyền chia sẻ:
1. Kĩ thuật khuấy bánh:
Nhiều người cho rằng dùng trứng gà ta mới, khuấy theo 1 chiều và nhẹ nhàng thì sẽ không bị tanh và bị bọt khí. Nhưng theo Huyền đây là cách nghĩ chưa đúng do lầm tưởng bọt khí gây rỗ bánh do đánh trứng mạnh và không theo một chiều.
Dù khuấy theo chiều kim đồng hồ, ngược chiều kim đồng hồ, khuấy từ trên xuống dưới, khuấy từ dưới lên trên thậm chí đánh theo kiểu oánh trứng cũng không ảnh hưởng đến việc làm bánh rỗ hay tanh.
Muốn bánh không tanh, trứng nhất định phải khuấy tan thật kĩ (tránh đánh quá lâu khiến trứng bị lõng bõng như nước) và khi đổ sữa ấm vào thì sữa ấm sẽ làm vỡ hết bọt khí.
2. Đun sữa
Nhiều người thường cho sữa vào trứng rồi mới đặt lên bếp đun, đây cũng là nguyên nhân khiến trứng bị tanh sau khi hấp hoặc nướng. Hãy đun sữa ấm trước rồi mới đổ vào trứng đã khuấy tan trước đó.
3. Mức lửa hấp bánh to hay nhỏ?
Hấp lửa nhỏ mà vẫn bị rỗ, tại sao? Hấp lửa nhỏ như nào cho đúng. Thường một số người thấy nước sôi là cho bánh vào hạ lửa nhỏ, đậy nắp và hấp luôn. Hãy thử lại bằng cách sau khi nước sôi, hãy mở nắp nồi ra hạ lửa nhỏ nhất và đợi 1 phút sau mới cho bánh vào hấp và đậy nắp nồi. Nước hấp không được chạm vào đáy cốc bánh.
4. Để lửa nhỏ, đậy nắp kín sao vẫn bị rỗ?
Hãy thử bằng cách thay nắp lọ/cốc thành bọc giấy bạc sẽ thấy sự khác biệt. Không cần phải mở nắp ra lau nữa nhưng trước hết phải làm theo cách “lửa nhỏ” ở trên điều 3. Cứ 15 phút mở nắp nồi ra khoảng 10 giây để xả bớt sức nóng trong nồi khi hấp rồi lại đậy vào.
5. Bánh bị nhăn mặt sau khi hấp hay nướng?
Bánh bị nhăn mặt là do nhiệt độ quá cao chứ không phải là do hấp hay nướng bánh. Nướng bánh sẽ không dễ bị rỗ như hấp nhưng nếu biết cách làm thì dù hấp hay nướng thì kết quả cũng sẽ tốt như nhau.
6. Caramel không cho chanh có sao không?
Không sao cả, chanh cho vào khi đường đã ngả màu cánh gián trước khi nhấc ra khỏi bếp giúp tránh việc đường bị đông cứng và caramel không bị đắng. Việc cho chanh vào caramel cũng không cần thiết, nếu ai dùng chanh thì tránh cho chanh vào quá sớm gây đắng.
7. Vì sao làm flan lại dùng sữa tươi không đường?
Nên dùng sữa tươi không đường để giữ độ nguyên chất trong hương vị cũng như dễ định lượng độ ngọt cho bánh thay vì sữa tươi có đường.
8. Nếu không mua được whipping cream thì thay bằng sữa đặc và không cho đường.
9. Bánh flan thì nhất định phải có lòng trắng trứng để bánh được đông cứng và tỉ lệ tối đa là 1:1. Ví dụ: 1 lòng đỏ : 1 quả cả lòng đỏ và lòng trắng.
10. Khi hấp thấy bánh sắp chín, tránh nóng vội mà tăng lửa. Tăng lửa dù sắp chín bánh vẫn sẽ bị rỗ như thường.
11. Đợi bánh nguội hẳn hoặc để tủ lạnh rồi mới lấy bánh ra úp ngược thì bánh sẽ không bị vỡ, nứt.
12. Cho vani vào để tránh khi hấp xong chẳng may bánh bị tanh. Hãy cất vào tủ lạnh vài tiếng sau lấy ra ăn, hương vị bánh thơm ngon y như ngoài hàng.
Tham khảo cách làm bánh flan cốt dừa của Ngọc Huyền:
Nguyên liệu:
– 100gram đường (làm caramel)
– 40ml nước (làm caramel)
– 4 lòng đỏ trứng và 2 quả nguyên lòng
– 200ml nước cốt dừa đóng lon
– 200ml sữa tươi không đường
– 100ml kem béo whipping dạng đặc hay lỏng (độ béo trên 30%)
– 80gram đường cát trắng
– 1 thìa tinh chất vani (hoặc 1 ống bột vani)
Cách làm:
Bước 1: Làm phần caramel
– Cho đường và nước vào nồi đun lửa to, không dùng đũa khuấy. Khi đường ngả màu, hạ lửa mức nhỏ nhất đến khi đường chuyển sang màu nâu cánh gián. Nhanh chóng múc caramel vào cốc, láng quanh đáy cốc.
Bước 2: Làm phần bánh flan
– Dùng phới lồng khuấy tan trứng trong tô thật kĩ, phải khuấy tan thật kĩ.
– Cho đường, nước cốt dừa, sữa tươi không đường, whipping cream (nếu không có whipping cream thì thay bằng 80ml sữa đặc và không cần cho đường nữa) vào nồi đun đến khi cảm thấy nóng trên bề mặt tắt bếp.
– Đổ từ từ hỗn hợp sữa vừa đun vào tô lòng đỏ, vừa đổ vừa dùng phới lồng khuấy đều đến khi đổ hết hỗn hợp và khuấy cho hỗn hợp đồng nhất.
– Lọc hỗn hợp qua rây lọc khoảng 4 lần cho thật mịn. Lấy thìa múc hỗn hợp vào các cốc đã tráng caramel trước đó. Hãy lấy tăm chọc vỡ các bọt khí li ti nổi trên mặt cốc trước khi bọc giấy bạc mang đi hấp hoặc nướng.
Bước 3: Hấp hoặc nướng bánh
Đặt cốc vào khay mang đi nướng cách thủy bằng nồi nướng thủy tinh (hãy cột thêm sợi chun để giữ giấy bạc vì nồi thủy tinh có quạt gió khi nướng sẽ hút giấy bạc lên trên và khi nướng lâu mặt bánh dễ cháy) hoặc lò nướng bánh với nhiệt độ 150° trong 50 phút với cốc nhỏ, 60 phút nếu cốc to.
Nướng cách thủy là phương pháp đặt cốc hỗn hợp vào khay nướng, cho nước nóng vào khay ngập 1/2 cốc hoặc đem hấp cách thủy 60 phút ở lửa nhỏ nhất nhưng trước đó hãy đun sôi nước trong nồi, mở nắp, hạ lửa nhỏ nhất đợi 1 phút thì đặt bánh vào hấp và nên bịt kín các miệng cốc bằng giấy bạc thay vì màng bọc.
– Sau khi nướng hoặc hấp để bánh nguội, bảo quản ngăn mát tủ lạnh ăn lạnh sẽ rất ngon.
Cách ăn của các dân sành ăn là lấy bánh ra úp ngược ăn cùng đá bào hoặc ăn cùng cà phê thêm chút cốt dừa với đá bào cực mát lạnh và thơm ngon.
Chúc các bạn thành công và ngon miệng!