Phong tục tiễn ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp là một tín ngưỡng thờ cúng dân gian của dân tộc ta. Tín ngưỡng này mang ý nghĩa nhân văn, hướng con người ta tích cực làm việc tốt, sống lượng thiện qua tích Táo quân lên chầu trời để báo cáo với Ngọc Hoàng việc làm tốt, xấu của gia chủ trong năm.
Cũng theo đó cứ đến ngày 23 tháng Chạp tức 23 tháng 12 âm lịch hàng năm, các gia đình người Việt sẽ làm mâm cơm nhỏ, tiễn ông Táo về trời để báo cáo mọi việc lớn nhỏ với Ngọc Hoàng.
Ngày nay, mâm cỗ cúng ông Táo được đơn giản khá nhiều, không bắt buộc phải đầy đủ tất cả các món như mâm cỗ truyền thống, chủ yếu phụ thuộc vào văn hóa vùng miền, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, khẩu vị của mỗi gia đình.
Chuyên gia văn hóa gợi ý mâm cỗ cúng ông Công ông Táo như sau:
Lễ vật bao gồm mâm cỗ mặn cúng ông Công ông Táo thường gồm các thứ sau:
– 1 đĩa gạo
– 1 đĩa muối
– 5 lạng thịt vai luộc (hoặc thịt gà)
– 1 bát canh
– 1 đĩa xào
– 1 đĩa giò
– 1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống)
– 1 đĩa xôi gấc
– 1 đĩa hoa quả
– 1 ấm trà sen
– 3 chén rượu
– Quả cau, lá trầu
– 1 lọ hoa
– 1 tập giấy tiền, vàng mã
Theo dân gian, nơi cúng ông Táo tốt nhất là đặt trong khu bếp, khi cúng nên bật bếp lên để có hơi ấm tỏa ra. Theo quan niệm này, mâm cỗ đề huề thì cả nhà sẽ quanh năm no ấm.
Về thời gian cúng, theo quan niệm dân gian Lễ cúng ông Táo đẹp nhất là tối ngày 22 và sáng ngày 23 tháng Chạp, cần được thực hiện từ 11 giờ – 13 giờ là giờ Ngọ và đây thời điểm các thần quy tụ để chuẩn bị về trời.
Discussion about this post