Bánh tráng nướng
Bánh tráng nướng hòa quyện đủ mùi vị mặn, ngọt, béo béo… Ảnh: trangnhimtron
Bánh tráng nướng đã không còn chỉ là đặc sản của Đà Lạt mà có mặt ở khắp các tỉnh thành. Chiếc bánh thậm chí còn được thực khách nước ngoài gọi là pizza Việt Nam bởi hình dáng tròn, khi ăn cắt thành nhiều miếng tam giác. Bánh tráng nướng được làm khá đơn giản, người ta trải chiếc bánh, thêm chút mỡ hành phi vàng thơm, đập vài quả trứng cút, rồi tiếp đến là các loại nhân như ruốc, gà xé, thịt băm, bò khô, xúc xích… sau đó nướng trên vỉ than cho nóng giòn. Miếng bánh giòn rụm, đủ vị bùi, béo, mặn ngọt, nhất là thưởng thức giữa cái rét Đà Lạt càng khiến món ăn thêm đáng nhớ.
Địa chỉ:
– 61 Nguyễn Văn Trỗi
– 112 Nguyễn Văn Trỗi
– Chợ Đà Lạt
– Cô Hoa 56 Thông Thiên Học
– Dì Đinh 26 Hoàng Diệu
Kem bơ
Kem bơ không chỉ có ở Đà Lạt mà còn là đặc sản của Đà Nẵng. Ảnh: 2saigon
Sở dĩ kem bơ Đà Lạt trở nên nổi tiếng một phần do sử dụng loại bơ Đăk Lăk trứ danh. Vị bơ béo, đậm đà, được xay chung với đá, sữa đặc, màu xanh lá cây nhạt rất ngon mắt. Đặt bên trên là viên kem vani hoặc kem sầu riêng thơm hương, đậm vị. Hương vị của bơ, quyện với kem tạo nên một món ăn giải khát độc đáo. Cũng giống như bánh tráng nướng, kem bơ giờ đã có mặt ở nhiều tỉnh thành khắp cả nước.
Địa chỉ:
– Kem bơ Thanh Thảo: 76 Nguyễn Văn Trỗi
– Kem bơ chè Nari: 74C Nguyễn Văn Trỗi
– Kem bơ Phụng: 97A Nguyễn Văn Trỗi
Bánh căn
Món bánh căn ăn với xíu mại, giò… rất hợp vị. Ảnh: dichoidalat
Bánh căn làm từ bột gạo tẻ, thêm trứng cút hoặc trứng vịt, cho vào từng khay nhỏ, nướng cho tới khi cháy xém sau đó úp hai nửa bánh vào nhau. Bánh chín thơm, chấm với nước sốt đặc biệt gồm mỡ hành, thêm mấy viên xíu mại, giò, tương ớt cay nồng. Miếng bánh tưởng như nhạt nhẽo, không có nhân nhưng sau khi chấm nước dùng và điểm xuyết vài miếng xíu mại hay giò thì món ăn trở nên rất hấp dẫn.
Địa chỉ:
– Bánh căn Lệ, 27/44 đường Yersin
– 14 Tăng Bạt Hổ
– 13 Nhà Chung
– 56 Tăng Bạt Hổ
– 7 Tăng Bạt Hổ
– Bánh căn Dốc Nhà Làng, 15A đường Nguyễn Biểu
– 22 Tăng Bạt Hổ
Bánh ướt lòng gà
Bánh ướt lòng gà là món bình dân, rẻ tiền nhưng lại níu chân thực khách bởi chính mùi vị chân phương, mộc mạc. Khác với những nơi khác ăn bánh ướt với chả, nem thì ở Đà Lạt, người ta sử dụng lòng, mề, trứng, tim, gan… thêm chút thịt gà xé phay. Bánh ướt dai dai, mát mát, trộn cùng các loại nguyên liệu, nhai vừa giòn giòn sần sật vừa đậm đà, khó quên.
Địa chỉ:
– Quán Long, hẻm 202, lô A16 Phan Đình Phùng
– Hằng, 68 Phan Đình Phùng
– 28 Tăng Bạt Hổ
– Trang, 15F Tăng Bạt Hổ
Nem nướng
Nem nướng có xuất xứ từ vùng Nam Trung Bộ nhưng khi được mang lên Đà Lạt, món ăn đã được thay đổi đôi chút. Nem được làm từ thịt heo xay nhuyễn, thêm các loại gia vị đặc trưng rồi đem nướng. Khi ăn, nem được cắt nhỏ, cuốn cùng rau sống, bánh tráng, dưa chuột… chấm cùng loại mắm sền sệt, màu vàng sậm, ngon khó cưỡng.
Địa chỉ:
– Quán Bà Hùng 328 Phan Đình Phùng và D51-52 Hoàng Văn Thụ
– Bà Nghĩa, 45 Bùi Thị Xuân
– Hùng Vân, 150 Bùi Thị Xuân
– Út Huệ, 1 Chi Lăng
Lẩu gà lá é
Lẩu gà quyện với lá é mùi hơi the the, bùi bùi, lạ miệng. Ảnh: bazan travel
Trong tiết trời se lạnh của Đà Lạt, quây quần nồi lẩu nghi ngút khói, thưởng thức món lẩu gà lá é thơm nức thì không còn gì bằng. Khi nấu lẩu gà, người Đà Lạt không dùng cải cúc như người Bắc hay lá giang như người miền Tây mà dùng lá é – một loại lá đặc trưng của núi rừng. Lá é có vị chua chua, chát chát nhưng khi được nhúng vào nồi nước lẩu thì chuyển vị, có chút bùi và hơi the the, quyện với vị ngọt tự nhiên của thịt gà rất hài hòa.
Địa chỉ:
– Lẩu gà lá é Tao Ngộ, số 5 đường 3 tháng 2
– Lẩu gà lá é 668, số 2B đường Chu Văn An
– Lẩu gà lá é Phú Yên, 178 Phù Đổng Thiên Vương
– Lẩu gà lá é Thúy Hiếu, 21 Hùng Vương, phường 10
Bánh mì xíu mại
Thay vì ăn bánh mì kẹp gọn nhẹ, người Đà Lạt có nhiều thời gian thảnh thơi để bẻ từng miếng bánh, chấm vào bát xíu mại, giống với cách ăn bánh mì sốt vang. Bánh mì nướng nóng giòn, thơm. Bát nước chấm gồm một chút váng, nước hầm xương heo, cay cay vị ớt, thêm 2 viên xíu mại, ít chả lụa, bì lợn… Mỗi thứ một chút nên dù ăn hết cả suất cũng không thấy nặng bụng.
Địa chỉ:
– 26 Phạm Nhật Duật
– Quán 79 cũ, 1 Thông Thiên Học
– Hồng bánh mì, 10 Yersin
– Cô Sương, 14 Ánh Sáng, phường 1
Ốc nhồi thịt
Ốc nhồi thịt thơm mùi sả, đậm vị thịt, ốc… chấm với mắm gừng ớt. Ảnh: cooky
Khác với miền biển có ốc hấp, ốc xào… Đà Lạt lại có đặc sản ốc nhồi thịt mùi vị rất lạ. Người ta nhồi vào bên trong con ốc thịt nạc băm nhuyễn, sả để khử mùi tanh, sau đó đem hấp. Vị ốc giòn ngon, được bao quanh là thịt lợn hấp chín, thơm thơm mùi sả, chấm cùng mắm ớt gừng vừa đã miệng, vừa nóng hổi. Món ăn đặc biệt ngon vào những ngày Đà Lạt mưa lạnh, chui vào quán nhỏ, hít hà mùi ốc tỏa ra từ những nồi hấp nghi ngút khói.
Địa chỉ:
– 33 Hai Bà Trưng
– 4D Hai Bà Trưng
– 41 Hai Bà Trưng
Dâu tây
Dâu tây hái trực tiếp từ các vườn dâu luôn có mùi vị khác hẳn so với loại đóng hộp. Ảnh: Cooky
Chắc ít ai lên Đà Lạt mà không mua dâu tây, một đặc sản ở thành phố cao nguyên mà không nhiều nơi ở Việt Nam có được. Ngoài việc thu hoạch và ăn trực tiếp ở các vườn dâu tây thì bạn có thể thưởng thức các biến tấu của loại quả chua ngọt, mọng nước này như kem dâu tây, sinh tố dâu tây hay dâu tây dầm… Hương vị tươi ngon vì không phải vận chuyển đi xa.
Địa chỉ:
– Chợ đêm Đà Lạt.
– Vườn dâu Nhật, 162 Thánh Mẫu, phường 7
– Vườn dâu Bio Fresh, bên trong khu du lịch hồ Than Thở trên đường Hồ Xuân Hương
– Vườn dâu Bà Vai, số 50 Hồ Xuân Hương
– 46 Đa Phú, phường 7
– Vườn dâu anh Trung, 35 Hồ Xuân Hương
Sữa đậu nành
Mặc dù sữa đậu nành quá quen thuộc với bất kỳ vùng miền nào. Thế nhưng ở thành phố này, nhắc tới đặc sản là không thể bỏ qua sữa đậu nành. Ly sữa giản dị, nóng hổi, thường được ăn kèm với các loại bánh ngọt, quẩy, hợp vị đến lạ lùng. Bánh hay sữa đậu cũng chỉ có giá chưa tới 10.000 đồng – một mức giá rất bình dân.
Địa chỉ:
– Chợ đêm Đà Lạt.
Discussion about this post