Sapa không chỉ hấp dẫn du khách bởi sự đa dạng cảnh quan và bầu không khí núi rừng, mà những món đặc sản nơi đây khiến ai một lần đặt chân tới đều cảm thấy mê mẩn.
Cá suối nướng
Nếu bạn đã một lần ăn cá suối nướng trên than củi ở Sapa thì chắc chắn bạn sẽ khó quên dư vị của món ăn này. Cá suối được đánh bắt tự nhiên nên thịt ăn rất ngọt và thơm, không hề có vị tanh. Cá suối có nhiều loại: Cá trắng thân dẹt như cá mương, cá hoa, cá bống, lại có loài cá có màu đen lẫn với màu rêu đá. Cá suối Sapa thường chỉ bằng ngón tay.
Người dân đi rừng bắt được cá suối thường nhóm lửa nướng cá bên bờ suối hoặc đem về bán ở chợ. Cá suối được tẩm ướp và chế biến thành món nướng hoặc chiên giòn. Cá chấm kèm với nước mắm pha dấm tỏi, ớt sẽ rất hợp vị.
Vào buổi tối, các quầy bán đồ ăn với món cá suối nướng luôn thu hút rất nhiều du khách. Bạn có thể ghé chợ đêm Sapa để thưởng thức món ngon này nhé!
Thịt gà đen
Thịt gà đen là một món ăn ngon xuất hiện nhiều trong thực đơn đặc sản Sapa tại các nhà hàng. Thịt gà đen rất thơm và ngon có thể chế biến ra nhiều món như: rán, xào, hấp, luộc, ngon nhất là gà đen nướng mật ong. Loại mật ong do chính bà con dân tộc đi rừng đem về. Mật ong làm tăng thêm vị ngọt thơm cho gà nướng.
Gà đen nướng mật ong ăn kèm với lá cây bạc hà cay nhẹ chấm với muối tiêu chanh thì ngon khó cưỡng. Bên cạnh đó, gà đen còn được làm thành món lẩu gà đen được nhiều thực khách ưa chuộng.
Rau cải mèo
Cải mèo trồng nhiều ở các khu vườn vùng cao của người Mông, là thức ăn chính của người dân tộc Sapa mỗi ngày và trở thành loại rau đặc sản Sapa được nhiều du khách săn lùng. Rau cải mèo giòn có vị ngọt nhẹ xen lẫn vị ngăm đắng. Bữa ăn của họ thường đạm bạc với cơm trắng, rau cải mèo xào mỡ thêm tí gừng với chén canh mà ngon đến lạ.
Rau cải mèo được chế biến thành nhiều món như: xào, nấu, luộc hoặc dùng để ăn lẩu. Cải mèo thường được nấu kèm vài lát gừng, tạo vị ấm, thơm, phù hợp với thời tiết lạnh.
Rau cải mèo bán nhiều ở các khu chợ Sapa. Bạn có thể ghé qua các chợ để tìm mua nhé!
Măng chua Sapa
Măng có vị chua thanh, thêm vị cay của ớt quả, giòn giòn lạ miệng. Măng được đem về rửa sạch, xắt lát mỏng, để ráo nước. Người ta ủ măng vào chum kín trong khoảng từ 20-30 ngày. Măng được nấu với cá, thịt hoặc ăn kèm với nhiều món ăn khác như phở, bún.
Không chỉ là món ăn thường nhật của người dân nơi đây, măng chua Sapa hiện được phục vụ trong hầu hết các nhà hàng ở thị trấn vùng cao này.
Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp – đặc sản Sapa mua làm quà được nhiều người ưa thích. Thịt có hương vị đặc trưng khó quên, màu nâu sẫm nhưng khi xé ra bên trong có màu đỏ tự nhiên. Khi đưa miếng thịt trâu lên miệng thực khác sẽ cảm nhận được ngay vị cay nồng của mắc khén, hạt dổi quyện với mùi thơm của khói. Càng nhai càng thấm vị ngon của từng thớ thịt.
Người Mông chọn những mảng thịt to, phần thịt thăn hoặc ở bắp vai, lưng của con trâu để làm thịt gác bếp. Thịt đem ướp các loại gia vị như: muối, gừng, mắc khén (hạt tiêu rừng), nước lá rừng. Và cuối cùng treo lên gác bếp đem hun khói tới khi óng đen, quắt khô để bảo quản được lâu hơn.
Thịt trâu gác bếp ăn kèm với tương ớt sẽ tăng thêm vị ngon khi thưởng thức.
Discussion about this post